PGS.TS Doanh chia sẻ một trường hợp điển hình: Đó là một ca bệnh khá thương tâm. Bệnh nhân là anh Trần Xuân C, nhập viện cấp cứu trong tình trạng rất nặng. Các bác sĩ chẩn đoán xác định bệnh nhân bị suy thận. Sau khi được điều trị tích cực, bệnh nhân đã thoát khỏi nguy kịch nhưng vừa phải điều trị vảy nến vừa phải chạy thận nhân tạo mỗi tuần 3 lần.
Anh C mắc bệnh vẩy nến nhưng thay vì điều trị theo chỉ định của bác sĩ đã tin theo lời mách bảo, tự ý mua thuốc đông y không rõ nguồn gốc về uống. Sau 6 thìa thuốc nhỏ, anh C rơi vào tình trạng chảy mủ toàn thân, da mặt và da bàn tay, bàn chân bong tróc như bóng bì. Hậu quả của việc tự điều trị bệnh đang hành hạ bản thân anh C.
PGS.TS Lê Hữu Doanh cảnh báo, việc điều trị bệnh nói chung và bệnh về da liễu nói riêng bằng các phương pháp không chính thống khiến cho bệnh không những không khỏi mà còn để lại những biến chứng đáng tiếc.
Ngay tại BV Da liễu TƯ đã từng gặp một số trường hợp bệnh nhân đang từ thể nhẹ ổn định, bất ngờ chuyển sang thể nặng. Nếu bình thường bệnh chỉ có biểu hiện tổn thương ngoài da nhưng có trường hợp mụn đỏ toàn thân, mụn mủ toàn thân, sốt cao, ngộ độc thuốc hoặc các biến chứng về khớp, gây sưng đau các khớp. Bệnh vảy nến không đơn thuần là bệnh ngoài da mà nó là bệnh hệ thống cho nên một số trường hợp nặng lên sau điều trị. Những ca bệnh tự ý điều trị như bệnh nhân C. ngày càng gia tăng.
Cũng theo PGS.TS Doanh, ngoài những hậu quả trên, việc người bệnh tự ý dùng thuốc điều trị còn có nguy cơ ngộ độc như ngộ độc kim loại nặng. BV Da liễu Trung ương cũng đã gặp không ít ca ngộ độc kim loại gặp các biến chứng suy thận.
Bệnh vảy nến là bệnh da mạn tính, không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ, mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý người bệnh gây nên một vòng luẩn quẩn bệnh lý. Các tác động đến người bệnh là gây ngứa, ảnh hưởng đến hình thức, diện mạo do bệnh gây nên các mảng màu đỏ, có vảy da bong nhiều.
Tại Việt Nam, các phương pháp điều trị bệnh vảy nến đã được áp dụng từ đơn giản nhất như là thuốc bôi đến các phương pháp điều trị ánh sáng hoặc thuốc sinh học mới nhất. Hiện vẫn chưa có phương pháp nào có thể điều trị khỏi hoàn toàn bệnh vảy nến. Mục tiêu chính của điều là giảm viêm và kiểm soát tình trạng tăng sinh tế bào da, giúp người bệnh kéo dài thời gian ổn định của bệnh cũng như ngăn ngừa và hạn chế tối đa các biến chứng của bệnh.