Ho có thể gây ngất
Theo bác sĩ Đỗ Thanh Sơn, Khoa Đông y, Bệnh viện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, ho là triệu chứng thường gặp trong các bệnh lý về hô hấp.
Đó là một phản xạ có lợi giúp đưa các chất tiết và dị vật ra khỏi khí phế quản khi đường hô hấp bị kích thích. Thông thường do hiện tượng viêm làm phù nề, cương tụ máu ở niêm mạc hô hấp và tiết dịch kích thích gây ho.
Hoặc có thể do hít phải các dị vật, khói thuốc lá, hơi hóa chất, không khí quá lạnh hoặc quá nóng… Hoặc có sự chèn ép khí đạo từ trong hay ngoài đường thở như: phình động mạch chủ, u phổi, u trung thất… cũng gây nên phản xạ ho.
Các bệnh lý thông thường gây nên ho tương đối dễ chẩn đoán như cảm cúm, viêm mũi, viêm họng, viêm thanh quản, viêm phế quản...
Ho do viêm nhiễm ở giai đoạn đầu thường ho khan, không đờm, rát họng, tức ngực. Giai đoạn sau khi sắp lui bệnh tiếng ho tuy to hơn, nhưng dễ chịu, dễ khạc đờm, nhẹ ngực.
Ho có đờm lẫn máu có nhiều nguyên nhân, nhưng trong mọi trường hợp nếu ho kéo dài, sốt nhẹ về chiều, sụt cân… cần loại trừ bệnh lao để có thuốc điều trị đặc hiệu.
Ho có thể gây các biến chứng: những cơn rũ rượi có thể làm xuất huyết kết mạc mắt thường gặp trong bệnh ho gà, cơn ho kịch phát kéo dài có thể gây ngất…
Điều trị ho bằng Đông y
Theo bác sĩ Đỗ Thanh Sơn, cả Đông y và Tây y đều thống nhất: Ho là một phản xạ có lợi vì vậy nên dùng thuốc long đờm mà không nên dùng thuốc ức chế cơn ho, nhất là ho có đờm, vì như vậy đờm sẽ ứ đọng làm giảm thông khí và gây nhiễm trùng phổi nặng hơn.
"Những năm qua khoa Đông y chúng tôi có điều trị một số trường hợp người bệnh bị ho do viêm họng, viêm phế quản, cảm cúm kéo dài kèm bội nhiễm… đã dùng đủ liều kháng sinh, triệu chứng toàn thân tạm ổn, nhưng ho vẫn còn dai dẵng, chúng tôi tiếp tục dùng thêm thuốc ngậm ho của Đông y đã đem lại kết quả rất khả quan.
Một số trường hợp chúng tôi mạnh dạn điều trị đơn thuần bằng thuốc Đông y ngay từ đầu bằng cả thuốc thang uống (theo từng thể bệnh) và thuốc ngậm ho như trên cũng mang lại kết quả đáng khích lệ", bác sĩ Đỗ Thanh Sơn cho biết.
Phương thuốc ngậm ho của bác sĩ Đỗ Thanh Sơn gồm có 3 vị: Huyền sâm, cát cánh, cam thảo. Mỗi vị một lát ngậm, nhai nuốt nước, bỏ xác. Ngày ngậm 5 - 6 lần hoặc nhiều hơn. Đối với người bệnh có “tỳ vị yếu” dễ bị đầy bụng, khó tiêu thì thêm một lát gừng tươi.
Trong 3 vị thuốc này thì cát cánh có tác dụng long đờm chủ yếu do chất saponin, gây kích thích niêm mạc cổ họng và dạ dày đưa đến phản xạ tăng phân tiết ở đường hô hấp làm cho đờm loãng và dễ tống ra ngoài.
Cam thảo có tác dụng giải độc, kháng viêm, trị ho viêm họng… Huyền sâm có tác dụng kháng sinh với nhiều loại vi trùng, được dùng làm thuốc chống viêm trong các bệnh viêm cổ họng, viêm amiđan, lỡ loét trong miệng…
Phương thuốc ngậm ho này có thể tán bột, thêm mật làm thành viên hoàn để ngậm rất tiện lợi lại rẻ tiền. Trường hợp ho nhẹ có thể dùng ngậm đơn thuần cũng có hiệu quả.
Tuỳ theo tình trạng của bệnh mà có thể phối hợp thêm thuốc thang uống hoặc có thể phối hợp trong lúc đang điều trị bằng kháng sinh của Tây y.
"Điều trị ho cơ bản phải điều trị đúng nguyên nhân. Trong những trường hợp nhiễm trùng nặng, có biểu hiện khó thở, nên can thiệp sớm bằng thuốc kháng sinh mạnh và những phương tiện của y học hiện đại.
Đặc biệt nNên điều trị triệu chứng cắt cơn ho bằng thuốc Tây y khi cơn ho kịch phát kéo dài không dứt, có nguy cơ biến chứng gây ngất", bác sĩ Đỗ Thanh Sơn nói.