Đây luôn là vấn đề lớn cho ngành y tế các nước, không những vì số lượng bệnh nhân ung thư quá nhiều mà vì chi phí của mọi phương pháp điều trị đều quá cao.
Tầm soát ung thư không phải là xét nghiệm chẩn đoán ung thư
Số người mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đang tăng nhanh từ năm 2018 đến nay. Theo Tổ chức Y tế thế giới, dự kiến năm 2040, tại Việt Nam, số ca mắc mới sẽ tăng khoảng 59,4% lên tới khoảng 291 nghìn ca và số ca tử vong sẽ tăng khoảng 70,3% lên tới 209 nghìn ca. Tầm soát ung thư do đó đang trở nên rất quan trọng.
Theo TS Phạm Nguyên Quý, bác sĩ điều trị tại Khoa Ung thư nội, Bệnh viện Trung ương Kyoto Miniren, hiện ở Việt Nam tỷ lệ người mắc nhiều nhất là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng, chiếm tới 59.5% toàn bộ các ca ung thư được phát hiện. Việc phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm (giai đoạn 1) có thể giúp phát hiện sớm, điều trị sớm chữa lành từ 82-100% căn bệnh, kéo dài thời gian sống của bệnh nhân từ 5 năm trở lên; đồng thời giảm bớt gánh nặng cho cả bệnh nhân lẫn hệ thống y tế do quá trình chữa trị sẽ đơn giản, ít phức tạp, tốn kém hơn. Trong khi đó, nếu phát hiện bệnh muộn, ở giai đoạn 4 thì cơ hội sống vượt quá 5 năm chỉ còn 5%-7% ở bệnh nhân ung thư phổi, dạ dày; từ 22-39% ở bệnh nhân ung thư đại tràng, vú, cổ tử cung.
Tuy nhiên, tầm soát ung thư không phải là xét nghiệm chẩn đoán ung thư, nó có thể dẫn đến những xét nghiệm xâm lấn không cần thiết, dễ dẫn đến tốn kém và lo lắng không cần thiết của người bệnh. Do đó tầm soát ung thư cần phải lưu ý 3 điểm sau: Thứ nhất đó là loại ung thư nào? Thứ hai đối tượng người đi tầm soát là ai? Thứ ba là phương pháp/ lịch trình tầm soát ung thư. Vì ung thư là tên chung của hơn 200 bệnh khác nhau do tăng sinh bất thường các tế bào “hư hỏng”. Việc tầm soát ung thư là xét nghiệm khi chưa hề có triệu chứng. Nên cần chọn đối tượng có nguy cơ đủ cao, nếu không sẽ gây ra lãng phí tiền bạc. Việc chọn phương pháp cũng quan trọng vì không phải phương pháp nào cũng có ích thật sự.
Hiện nay ở Việt Nam, nhiều đơn vị đang quảng cáo tầm soát ung thư đại trực tràng và một số loại ung thư khác qua việc xét nghiệm các chỉ số CEA, CA 19-9… Bác sĩ Quý cho biết, đây là phương pháp tầm soát không đặc hiệu, thường chỉ phát hiện được ung thư giai đoạn II-III, không được Hiệp hội ung thư các nước tiên tiến khuyên dùng.
5 khuyến cáo giúp giảm 50% nguy cơ mắc ung thư trong đời
Theo BS. Phạm Vân Ngọc, đồng sáng lập DECA Care - Trung tâm phát hiện sớm ung thư và Chăm sóc giảm nhẹ - phụ nữ có nguy cơ cao mắc ung thư vú từ ở độ tuổi 40 trở đi, và phụ nữ ở độ tuổi này nên đi khám để tầm soát sớm ung thư vú. Phương pháp tầm soát hiệu quả được các tổ chức y tế uy tín trên thế giới khuyến cáo là nên chụp mamo- còn gọi là Xquang vú, có thể giúp phát hiện đám vôi hóa nghi ngờ mới hình thành với độ nhạy hơn 80% ở tuyến vú. Phương pháp này đặc biệt hiệu quả với những người có bầu vú to, nhiều mỡ.
Với các địa phương, cơ sở y tế không có máy chụp mamo, thì việc tầm soát được thực hiện bằng khám lâm sàng và siêu âm. Phương pháp này rẻ tiền, không đau, tuy nhiên có nhược điểm là độ nhạy không cao, thường chỉ phát hiện được khi ung thư đã tạo khối và kết quả phụ thuộc nhiều vào trình độ người siêu âm.
BS Ngọc cho biết, phụ nữ nên tầm soát ung thư vú định kỳ ở độ tuổi từ 40 trở lên với tần suất 1 lần/ năm. Với ung thư cổ tử cung, xét nghiệm làm phiến đồ âm đạo để xét nghiệm tìm ra virus HPV- thù phạm chính gây ra ung thư tử cung- cần được đặc biệt lưu tâm. Ung thư tuyến giáp- loại ung thư được rất nhiều người Việt Nam “nô nức” đi tầm soát, chữa trị trong thời gian qua, thì cần lưu ý: Ung thư tuyến giáp không phải là loại ung thư nguy hiểm, nên bệnh nhân không nên quá sợ hãi mà đòi cắt bỏ đi tuyến giáp của mình. Nếu bác sĩ khuyên là bệnh nhân nên theo dõi, không nên cắt bỏ; thì người bệnh nên nghe theo lời khuyên này vì đây là tuyến cơ quan quan trọng ảnh hưởng đến tâm lý, nội tiết của người bệnh, gây ra sự khó khăn trong bổ sung, điều trị về sau nếu bị cắt bỏ.
Bệnh nhân nên thực hiện tầm soát ung thư bằng các phương pháp được các tổ chức y tế lớn trên thế giới khuyến cáo sử dụng rộng rãi. Các phương pháp tầm soát ung thư mới chỉ nên được tham khảo bởi rất nhiều phương pháp tầm soát ung thư mới vẫn còn đang trong nghiên cứu thử nghiệm, độ chính xác chưa được đảm bảo, đồng thời có giá thành không hề rẻ. Nếu mỗi người dân có thể thực hiện được 5 khuyến cáo sau trong cuộc sống thì có thể giúp giảm được tới 50% nguy cơ mắc ung thư trong cuộc đời, bao gồm: Dinh dưỡng hợp lý, duy trì cân nặng hợp lý, vận động tích cực, giảm/ bỏ rượu bia, không thuốc lá.