Trẻ em 16 tuổi cũng phải cấp cứu ngộ độc rượu
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Đăng Đức - Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin, Trung tâm vừa tiếp nhận 2 trường hợp ngộ độc rượu phải cấp cứu. Đáng chú ý, 2 bệnh nhân này đều còn khá trẻ, nhập viện trong tình trạng ý thức chậm chạp, lơ mơ, sau một cuộc nhậu với bạn bè. Đây là 2 trong số hàng chục bệnh nhân ngộ độc rượu phải nhập viện trong những ngày vừa qua.
“Chúng tôi làm một số xét nghiệm và khám lâm sàng chẩn đoán thì thấy bệnh nhân bất tỉnh do ngộ độc rượu. Hiện tại qua quá trình điều trị, bệnh nhân đã tỉnh. Chúng tôi ngộ độc ethanol - là loại rượu thông thường, chứ không phải ngộ độc methanol - cồn công nghiệp” - bác sĩ Đức nói.
Luật Phòng chống tác hại rượu bia có quy định không bán rượu cho những người dưới 18 tuổi, nhưng ngay tại Trung tâm Chống độc vẫn đang điều trị cho một bệnh nhân 16 tuổi. Bác sĩ cho hay, bệnh nhân uống rượu mừng năm mới nên bị ngộ độc rượu. Bệnh nhân uống ngoài quán cùng rất nhiều người.
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho hay: Tại trung tâm, lượng bệnh nhân ngộ độc rượu cấp tính tăng lên không chỉ Tết, Noel mà cả mùa đông, là thời điểm người dân uống rượu nhiều. Đối tượng thì nhiều lứa tuổi khác nhau, kể cả người trẻ, cả sinh viên, thậm chí là học sinh, nhưng đa phần là người trẻ ở độ tuổi lao động, một số người cao tuổi nữa, phần lớn tập trung ở người trẻ.
Rượu là một chất đặc biệt, về cơ bản là chất độc cho cơ thể. Đối với người trẻ, rượu làm ức chế thần kinh, với một lượng lớn, các trẻ dễ bị ngộ độc rượu. Ở những người uống rượu nhiều não thường bị teo đi, ở người trẻ, thì chắc chắn là phải tránh xa, vì cả cuộc đời ở phía trước, làm sao để não không bị tổn thương sớm, phải tránh xa con đường nghiện ngập.
Nói tổng thể, ethanol - rượu là một chất bị lạm dụng nhiều năm. Đây là một chất gây danh sách các bệnh tật, tổn thương, hậu quả có thể nói là dài nhất trong số các chất mà chúng ta biết đến hiện nay, nó làm tổn thương đủ thứ cơ quan từ thần kinh, tâm thần, tim mạch, miễn dịch, huyết học, cơ xương khớp, tiêu hóa... đặc biệt là hệ thần kinh và tâm thần. Đối với người trẻ, nguy cơ là nhiều hơn, tổn thương lâu dài hơn, họ sẽ nhanh chóng bước vào con đường nghiện ngập, nhanh chóng bị tổn thương.
Luật rất nghiêm minh, người dân cần phải chấp hành
Trao đổi với phóng viên Lao Động về những điểm mới Luật phòng chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực từ ngày 1.1.2020, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho biết, với quy định trên, người điều khiển phương tiện giao thông, dù là ô tô, xe máy, xe đạp... nếu uống rượu trước hoặc trong khi điều khiển phương tiện đều bị phạt, không có mức chưa bị phạt như đối với xe máy trước đó.
“Chúng tôi đã thực hiện điều tra xã hội học, uống một lon bia có nguy cơ gây tai nạn cao gấp 3 lần là không uống lon bia nào. Việc quy định như vậy là vì lợi ích, sức khỏe và tính mạng của người tham gia giao thông, của nhân dân. Chúng ta quy định thế này được nhân dân ủng hộ thì cứ thế mà làm, tỉ lệ đồng thuận rất cao. Tôi có thể khẳng định đây là một trong những điều cấm hiếm hoi mà nhân dân ủng hộ như vậy”, ông Khuất Việt Hùng cho hay.
Đánh giá về sự tác động của những quy định mới này, ông Khuất Việt Hùng cho biết, chúng ta quy định đi xe máy phải đội mũ bảo hiểm nhưng không phải ai đi xe máy cũng gây tai nạn. Do đó, nếu nhìn nhận việc cấm tuyệt đối người điều khiển xe uống rượu bia là cơ hội để những người uống rượu bia nhận thức rõ ràng một ranh giới thực sự thì rất tốt.
Theo ông Khuất Việt Hùng, với quy định mới sẽ thay đổi nhận thức.
Giải rượu bằng cách nào?
Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên - Phụ trách Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: Giải rượu bằng bất cứ biện pháp nào, bằng thuốc thuốc thì đều không rõ ràng, không có tác dụng. Quan trọng nhất là uống rượu rồi không được tham gia giao thông, không được làm những động tác đòi hỏi sự tinh tế, tinh vi như lái xe, dễ ngã, dễ tai nạn, phải có người theo dõi, để ý.
Cái chúng ta cần làm là phải ăn cho đủ, lưu ý các thức ăn có năng lượng nhanh như chất đường, chất bột, phải nhanh chóng nạp cho đủ, nếu không rất dễ bị hạ đường huyết, nguy hiểm. Cần uống thật nhiều nước, trong trường hợp này cần nước có chất điện giải như nước hoa quả, nước rau, nước oresol...