Bí ẩn vụ chìm tàu Titanic năm 1912 từ lâu đã thu hút sự tò mò của công chúng. Các nhà sử học hiện tin rằng, một dự án quét dưới nước mới có thể cung cấp câu trả lời cho một số câu hỏi chưa có lời giải về thảm kịch cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người.
Một nhóm các nhà khoa học đã sử dụng bản đồ biển sâu để lần đầu tiên tạo ra "Bản sao kỹ thuật số chính xác của xác tàu Titanic", theo thông cáo ngày 17.5 từ các nhà điều tra biển sâu Magellan và các nhà làm phim Atlantic Productions.
Thông qua “dự án quét dưới nước lớn nhất trong lịch sử”, các nhà khoa học đã tìm cách “hé lộ chi tiết về thảm kịch và khám phá thông tin hấp dẫn về những gì thực sự đã xảy ra với thuỷ thủ đoàn và hành khách trong đêm định mệnh" 14.4.1912.
Theo thông cáo báo chí, quá trình quét xác tàu đắm được một tàu chuyên gia đóng cách bờ biển Canada 700 km thực hiện vào mùa hè năm 2022. Các quy định nghiêm ngặt cấm các thành viên trong nhóm nghiên cứu chạm vào hoặc làm xáo trộn xác tàu Titanic. Các nhà điều tra khẳng định, quá trình quét được thực hiện với "sự tôn trọng tối đa" xác tàu đắm.
Thông cáo cho biết, từng milimet của dải mảnh vỡ dài 5 km đã được lập bản đồ chi tiết. Bản sao kỹ thuật số cuối cùng đã thành công trong việc chụp lại toàn bộ xác tàu Titanic bao gồm cả phần mũi và đuôi tàu, đã tách ra khi chìm năm 1912.
Parks Stephenson - chuyên gia đã nghiên cứu về tàu Titanic trong 20 năm - ca ngợi dự án này như một “nhân tố thay đổi cuộc chơi” đã khai quật được “những chi tiết chưa từng thấy trước đây”. Ví dụ, lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, hình ảnh của chân vịt tàu Titanic đã được tái dựng và có thể nhìn thấy cả số seri.
“Chúng tôi có dữ liệu thực tế mà các kỹ sư có thể sử dụng để kiểm tra cơ chế thực sự đằng sau vụ vỡ và chìm tàu, từ đó tiến gần hơn đến câu chuyện có thật về thảm họa Titanic" - ông Stephenson cho hay.
Khoảng 715.000 hình ảnh và 16 terabyte dữ liệu đã được thu thập trong cuộc thám hiểm mà các nhà điều tra Magellan ước tính là “lớn hơn khoảng 10 lần so với bất kỳ mô hình 3D dưới nước nào từng được thực hiện trước đây”, CEO Richard Parkinson của Magellan cho biết.
Ông Parkinson mô tả dự án này là hoạt động “đầy thử thách”, với trở ngại từ các yếu tố khác nhau, trong đó có cả thời tiết xấu và những thách thức kỹ thuật.
Kỹ thuật lập bản đồ mới đã loại bỏ được nước để ánh sáng có thể soi chiếu rõ hơn về tàu Titanic. Đây là điều mà những hình ảnh quang học trước đây về tàu Titanic không đạt được bởi ở độ sâu 3,8 km ánh sáng yếu và chất lượng ánh sáng kém.
Theo chuyên gia chụp ảnh 3D Gerhard Seiffert, “mô hình 3D quang học có độ chính xác cao” cho phép mọi người thu nhỏ và lần đầu xem xét toàn bộ xác tàu Titanic.
“Đây là con tàu Titanic mà chưa ai từng thấy trước đây” - ông Seiffert nói thêm. Theo ông, hình ảnh này báo trước “khởi đầu của một chương mới” của nghiên cứu và khám phá Titanic.