Vụ việc gây chấn động Indonesia khi ngày 9.7, giới chức Indonesia cho biết họ phát hiện thi thể đông lạnh của một ngư dân trong số những tàu cá Trung Quốc bị bắt giữ.
3 giám đốc công ty môi giới Indonesia bị cáo buộc hôm 21.7, tức là một tuần sau khi thuyền trưởng Trung Quốc trên tàu cá Lu Huang Yuan Yu 118 bị cáo buộc giết Hasan Apriadi, 20 tuổi, và tấn công các thuyền viên Indonesia khác làm việc trên tàu.
Tờ SCMP dẫn nguồn tin từ cảnh sát cho biết, các công ty môi giới chuyên cung cấp lao động cho các tàu cá Trung Quốc nói trên đã tuyển Apriadi và ít nhất 9 người khác làm việc cho tàu cá Trung Quốc.
Ba nghi phạm đã bị giam giữ và cáo buộc theo luật buôn người" - ông Awi Setiyono, phát ngôn viên cảnh sát quốc gia, nói, và cho biết thêm rằng, hai nhân viên cao cấp khác của công ty đang bị truy lùng.
Ba nghi phạm cũng phải đối mặt với cáo buộc cố tình khiến các thuyền viên gặp nguy hiểm.
Các chuyên gia chống buôn người đã lên tiếng cảnh báo rằng, ngành công nghiệp đánh cá đang đối mặt với những thách thức như cưỡng bức và bóc lột lao động, người lao động có thể bị quỵt tiền, làm việc quá sức, hứng chịu bạo lực và tử vong.
Đông Nam Á là một nguồn cung cấp lớn những lao động như vậy, và những kẻ tuyển dụng vô đạo đức thường nhắm vào người nghèo và ít học với những lời hứa hẹn về mức lương hậu hĩnh.
Hồi đầu tháng 7, cảnh sát Indonesia đã chặn hai tàu Trung Quốc ở eo biển Malacca - nằm giữa Indonesia và Malaysia - sau khi nhận được thông tin có một thuyền viên đã chết trên một trong các tàu.
Sau đó, họ tìm thấy thi thể của Apriadi trong tủ đông lạnh trên tàu cá Lu Huang Yuan Yu 118.
Sau khi thẩm vấn hàng chục thuyền viên Trung Quốc, Indonesia và Philippines, cảnh sát đã cáo buộc thuyền trưởng Trung Quốc Song Chuanyun tội giết người.
Các nhà chức trách cho biết, Song đã buộc nạn nhân làm việc mặc dù bị bệnh, sau đó tra tấn và không cho nạn nhân ăn uống trong vài ngày trước khi chết vào cuối tháng Sáu.
Song sẽ bị xét xử ở Indonesia - phát ngôn viên cảnh sát tỉnh Riau, Harry Golden Hart, tuyên bố.
Cũng trong tháng 6, hai thuyền viên Indonesia đã nhảy khỏi một tàu cá khác của Trung Quốc để thoát khỏi những gì họ mô tả là lạm dụng và điều kiện khủng khiếp.
Một tháng trước đó, thi thể ba thuyền viên Indonesia trên tàu cá Trung Quốc đã bị ném xuống biển. Bắc Kinh mô tả việc chôn cất trên biển là phù hợp với luật pháp quốc tế. Sự việc bị phanh phui đã gây chấn động xã hội Indonesia, buộc chính phủ phải lên tiếng mạnh mẽ.