“Chúng tôi đến đây với hy vọng không ai đặt câu hỏi về tính hợp lệ của quyết định chung trước đó của chúng tôi rằng, NATO không phải là một phần của cuộc chiến đang diễn ra ở nước láng giềng Ukraina. Và rằng, mọi thứ phải được thực hiện để ngăn chặn xung đột trực tiếp giữa NATO và Nga" - ông Szijjarto viết trên Facebook, đăng từ hội nghị ngoại trưởng NATO.
Việc mời Ukraina "vi phạm nguyên tắc đoàn kết của các đồng minh trong NATO, nhưng trên tinh thần xây dựng, chúng tôi sẽ tham gia cuộc họp" - ông Szijjarto viết thêm. “Tôi cũng sẽ nói rõ rằng, Hungary sẽ hỗ trợ bất kỳ nỗ lực hội nhập nào của Ukraina chỉ khi Ukraina khôi phục lại cho người Hungary ở Transcarpathia các quyền mà họ có trước năm 2015”.
Khoảng 150.000 người sắc tộc Hungary sống ở Ukraina hiện tại, chủ yếu ở tỉnh Transcarpathia, phía tây nam Ukraina.
Hungary và Ukraina đã xung đột về quyền của người thiểu số kể từ khi Quốc hội Ukraina năm 2017 thông qua luật “về việc đảm bảo chức năng của ngôn ngữ Ukraina là ngôn ngữ quốc gia”, mà Budapest cho rằng "đã chà đạp lên quyền của người dân tộc thiểu số Hungary ở Transcarpathia được học tập ở nước ngoài".
Hungary cam kết sẽ không từ bỏ yêu cầu với Ukraina “trong bất kỳ hoàn cảnh nào”, mặc dù đã có áp lực từ “cả hai bờ Đại Tây Dương” - ông Szijjarto cho biết hồi đầu tháng này.
Hungary sẽ không hỗ trợ các đơn xin gia nhập EU hoặc NATO của Ukraina chừng nào luật pháp của Kiev còn đe dọa các trường dạy tiếng Hungary - ngoại trưởng nhắc lại.
Chính sách trấn áp của Ukraina đối với những người nói tiếng Nga cũng đã ảnh hưởng đến các nhóm thiểu số Hungary, Romania và Ba Lan. Romania trước đây đã cùng với Hungary yêu cầu bảo vệ ngôn ngữ cho khoảng 400.000 người Romania và người Moldova, nhưng gần đây Bucharest đã im lặng.
Theo ông Szijjarto, Ukraina đã hứa với Hungary trong nhiều năm nhưng không làm gì để giải quyết vấn đề. Bất chấp những lời chỉ trích từ Hội đồng Châu Âu, Kiev chỉ gia tăng thực thi luật bắt buộc sử dụng tiếng Ukraina ở tất cả các cấp giáo dục.
Các thủ tục gia nhập NATO đòi hỏi sự đồng thuận của tất cả thành viên, nhưng ủy ban chung với Ukraina đã được thành lập bất chấp sự phản đối của Hungary.
NATO do Mỹ đứng đầu đã viện trợ quân sự trị giá hàng tỉ USD cho Kiev trong năm qua, nhưng tiếp tục khẳng định rằng, họ không thực sự tham gia vào cuộc xung đột với Nga.