Trong một hình ảnh mới do kính viễn vọng không gian Hubble chụp, thiên hà lùn NGC 1705 tỏa sáng trong một đám mây sáng rực rỡ và những đám mây màu đỏ. Thiên hà nhỏ bé có hình dạng bất thường, nằm trong chòm sao Pictor cách Trái đất khoảng 17 triệu năm ánh sáng. Thiên hà này được Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) mô tả là kỳ quặc, theo Space.com.
Gần đây, NGC 1705 đã trải qua một giai đoạn được gọi là "bùng nổ sao" (starburst), nghĩa là đang trải qua quá trình hình thành sao với tốc độ cao bất thường.
Các thiên hà lùn bất thường như thế này thường có ít nguyên tố hơn các thiên hà lớn hơn và chủ yếu là hydro và heli. Do đó, chúng được cho là giống với các thiên hà hình thành sớm nhất của vũ trụ.
ESA thông tin, hình ảnh này được chụp bằng cách sử dụng Máy ảnh Trường rộng 3 của Hubble để quan sát bước sóng ánh sáng cụ thể được gọi là H-alpha. Bằng cách quan sát bước sóng này, các nhà thiên văn học hy vọng có thể phát hiện ra các khu vực nơi các ngôi sao trẻ tràn đầy năng lượng thắp sáng các đám mây khí xung quanh chúng bằng tia cực tím.
Lần cuối Hubble quan sát được NGC 1705 là vào năm 1999, khi các nhà thiên văn sử dụng camera của kính thiên văn để quan sát trung tâm của thiên hà. Những quan sát mới, sử dụng công nghệ mới hơn nhiều trên Hubble, có thể cung cấp nhiều chi tiết hơn và cái nhìn đầy đủ hơn về thiên hà.