Nghiên cứu về cấu trúc của bức tường này lần đầu tiên được công bố trên tạp chí học thuật Antiquity (Di tích cổ) hôm 8.6.
Nằm ở trung tâm của thảo nguyên Mông Cổ bằng phẳng mênh mông, đoạn trường thành dài 737 km trước đây được các nhà khảo cổ cho là đã được xây dựng để bảo vệ người dân địa phương khỏi Thành Cát Tư Hãn - một Khả hãn Mông Cổ và là người sáng lập ra đế quốc Mông Cổ sau khi hợp nhất các bộ lạc ở vùng đông bắc Châu Á vào năm 1206.
Tuy nhiên, giáo sư Gideon Shelach-Lavi, Đại học Do Thái Jerusalem giải thích với tờ Jerusalem Post, việc xây dựng bức tường có từ trước thế kỷ 13 và một số yếu tố khác cho thấy cấu trúc của trường thành có thể không hẳn là một pháo đài quân sự.
"Vạn Lý Trường Thành của Trung Quốc trên thực tế bao gồm nhiều bức tường" - ông Shelach-Lavi nói. Bức tường mà chúng tôi xem xét trong trường hợp rất cụ thể này là vì nhiều lý do. Nó nằm xa hơn về phía bắc, sâu vào một khu vực dân du cư và nó không được kết nối theo bất kỳ cách nào với các phần khác của Vạn Lý Trường Thành. Hơn nữa, nó chỉ được đề cập ngắn gọn trong các ghi chép lịch sử và không có triều đại nào nhận công xây dựng. Câu hỏi chúng tôi đặt ra là ai đã xây dựng nó và tại sao" - giáo sư cho hay.
Shelach-Lavi đã làm việc trong các cuộc khai quật khảo cổ ở Trung Quốc từ những năm 1990. Kể từ năm 2018, ông và các chuyên gia khác từ Đại học Do Thái, cũng như một số đồng nghiệp Mông Cổ và Mỹ, đã tập trung vào dự án này, kết hợp phân tích hình ảnh vệ tinh và không ảnh với công việc trên mặt đất.Nhóm nghiên cứu đã có thể xác định rằng cấu trúc có thể được xây dựng bởi triều đại nhà Liêu, còn gọi là Khiết Đan - một triều đại phong kiến do người Khiết Đan kiến lập trong lịch sử Trung Quốc, cai trị khu vực từ giữa thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ 12, do đó sớm hơn Thành Cát Tư Hãn.
Trước đây, các học giả nghĩ rằng bức tường được xây dựng để ngăn chặn sự xâm chiếm của những đội quân bên ngoài. "Bức tường có lẽ cao khoảng hai mét. Hơn nữa, chúng tôi đã phát hiện ra hàng chục cấu trúc được kết nối nằm ở độ cao thấp hơn. Do đó, hệ thống này dường như không phù hợp cho mục đích phòng thủ. Thay vào đó, nó có lẽ được sử dụng để kiểm soát người dân và gia súc, ngăn họ du mục đến các khu vực khác" - giáo sư chỉ ra.
Dọc theo bức tường cao hơn mặt đất khoảng 1m - nơi có những phần được bảo tồn tốt nhất hiện nay - các nhà nghiên cứu cũng phát hiện những đồ tạo tác kim loại và đồ gốm, nhưng với số lượng rất khan hiếm.
"Vì lý do này, chúng tôi tin rằng việc xây dựng đoạn trường thành nói trên có thể chỉ mất khoảng 2-5 năm, với khoảng 200.000 nhân công" - giáo sư nói.
Mặc dù các nhà nghiên cứu sẽ không thể quay trở lại khu vực này cho một mùa khai quật mới vào năm 2020 vì đại dịch COVID-19, song mới đây họ đã nhận được một khoản tài trợ đảm bảo cho việc nghiên cứu trong ít nhất 5 năm.