Nhóm nhà nghiên cứu quốc tế đã sử dụng phần mềm đặc biệt để tái hiện trận đại hồng thủy được cho là đã quét sạch loài khủng long khỏi bề mặt Trái đất hàng chục triệu năm trước.
Các nhà khoa học cho biết, trận đại hồng thủy do tiểu hành tinh gây ra đã tạo ra những con sóng cao hàng kilomet quét qua hành tinh.
Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA) đăng đoạn mô phỏng máy tính lên Twitter - RT đưa tin.
Theo ước tính của các nhà khoa học, sự kiện thiên nhiên tàn khốc - được cho là mạnh gấp 30.000 lần so với bất kỳ trận sóng thần nào từng được ghi nhận - xảy ra khi một tiểu hành tinh khổng lồ tấn công khu vực hiện là bán đảo Yucatan của Mexico. Thiên thể được cho là có đường kính hơn 10km.
Tiểu hành tinh để lại vết hằn sâu nơi nó hạ cánh mà ngày nay được gọi là miệng núi lửa Chicxulub. Vụ va chạm gây ra những con sóng cao tới 4,5km trên toàn cầu, như mô phỏng mới đã chứng minh.
Vụ tấn công trùng với cuộc tuyệt chủng Creta-Paleogen, hay sự kiện tuyệt chủng Phấn trắng - Cổ cận. Đây là vụ đại tuyệt chủng xảy ra vào cuối thời kỳ Maastricht cách đây khoảng 66 triệu năm, khi có tới 75% toàn bộ hệ thực vật và động vật trên Trái đất bị diệt vong vào thời điểm đó do sự tàn phá lớn và biến đổi khí hậu kéo theo, bao gồm tất cả các loài khủng long không cánh.
Mô phỏng trên máy tính là thành quả lao động chung của các nhà nghiên cứu từ một số quốc gia, bao gồm Phòng thí nghiệm Môi trường Biển Thái Bình Dương của NOAA Mỹ và Phòng thí nghiệm Động lực học Chất lỏng Địa vật lý.
Các nhà khoa học đã kết hợp mô hình số và phân tích các hồ sơ địa chất để tạo ra thứ mà họ mô tả là “mô phỏng toàn cầu đầu tiên về trận sóng thần do tác động của tiểu hành tinh Chicxulub”.
Một chương trình mô phỏng máy tính tái tạo 10 phút đầu tiên của quá trình tạo sóng thần, trong khi hai mô hình khác do NOAA phát triển mô phỏng các mô hình sóng thần lan rộng khắp toàn cầu. Các nhà nghiên cứu cũng đã phân tích hồ sơ địa chất từ hơn 100 địa điểm trên toàn thế giới để hỗ trợ ước tính của họ.
Theo nhóm tác giả, nghiên cứu này có thể được sử dụng trong thực tế vì có thể giúp “đánh giá và định lượng nguy cơ tác động của các tiểu hành tinh lớn trong tương lai”. Hơn nữa, mô hình có thể giúp dự báo tác động của sóng thần quy mô nhỏ hơn thường xuyên xảy ra hiện nay.