Phát biểu tại Hội nghị An ninh Quốc tế ở Mátxcơva ngày 16.8, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, không có mục tiêu nào ở Ukraina đảm bảo cho một cuộc tấn công hạt nhân của Nga, vì vậy mọi tuyên bố rằng Nga có thể sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự ở Ukraina là vô lý.
RT dẫn lời Bộ trưởng Shoigu nói thêm: “Vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng trong những trường hợp khẩn cấp, theo các hướng dẫn của Nga đã được công bố rộng rãi. Vũ khí hạt nhân mang tính răn đe chống lại sự xâm lược của nước ngoài”.
Ông Shoigu cũng nhấn mạnh, “những tuyên bố về việc Nga có thể sử dụng vũ khí hóa học ở Ukraina cũng là vô lý” vì Nga đã phá hủy kho dự trữ vào năm 2017. Các nhóm do phương Tây hậu thuẫn ở Syria từng đưa ra những cáo buộc sai về các cuộc tấn công như vậy.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Sergei Shoigu cho biết tình hình cắt giảm và kiểm soát vũ khí chiến lược đang ở thế khó khăn do cuộc đối đầu giữa Mỹ và Nga.
“Những tuyên bố của Mỹ rằng Nga phải giành được quyền tiếp tục đối thoại với Mỹ là điều không thể chấp nhận được. Kiểm soát vũ khí là phải từ hai phía” - ông Shoigu nhấn mạnh.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga nhận định, Washington là một đối tác không đáng tin cậy xét về cân bằng quyền lực chiến lược. Mỹ đã loại bỏ một số hiệp ước quan trọng với Nga trong nhiều năm - điều mà Mátxcơva cho rằng đã làm tổn hại nghiêm trọng đến tính minh bạch trong các vấn đề quân sự.
Đặc biệt, ông Shoigu lưu ý về “tình huống khó khăn với” Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START mới - New START). START mới là hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa Nga và Mỹ. Hiệp ước này giới hạn kho vũ khí hạt nhân của mỗi nước chỉ ở mức 1.550 đầu đạn hạt nhân, 700 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa và 800 bệ phóng. Hiệp ước cần được gia hạn trước năm 2026 để duy trì hiệu lực.
Ông Shoigu đánh giá tình hình an ninh ở Châu Âu lúc này còn tồi tệ hơn thời Chiến tranh Lạnh và đổ lỗi cho NATO. Ông cho rằng việc tăng cường lực lượng NATO đã bắt đầu từ lâu trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2.
Ông Shoigu cũng bác bỏ quan điểm cho rằng các hệ thống vũ khí của phương Tây có thể thay đổi cục diện trên chiến trường Ukraina. Trong số các loại vũ khí phương Tây cung cấp cho Ukraina có tên lửa chống tăng Javelin, máy bay không người lái, hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao HIMARS…
Bộ trưởng nhấn mạnh, những vũ khí này cũng bị phá hủy giống như bất kỳ loại vũ khí nào khác và không ảnh hưởng nhiều đến tình hình. Trong khi đó, lực lượng Nga nghiên cứu các thiết bị thu được trên chiến trường Ukraina để xác định cách chống trả.