Theo Bloomberg, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đang có "sự mất cân bằng đáng kinh ngạc" trong việc cung cấp vaccine. Ông cho biết không thể chấp nhận được việc các nhà sản xuất theo đuổi lợi nhuận bằng cách bán cho các nước giàu với mức giá cao và đẩy mạnh việc tiêm mũi thứ 3 cho các nước thuộc số ít này. “Thành thật mà nói, tôi không thấy sự cam kết mà tôi đã mong đợi”, ông Tedros nói với các nhà phát triển vaccine trong cuộc họp.
Cuộc tranh luận này đã chỉ ra một sự thật đang hiện hữu: Bất bình đẳng trong cung cấp vaccine không tự xảy ra. Đó là kết quả của các quyết định giữa các giám đốc điều hành công ty và các quan chức chính phủ. Gần một năm sau khi những mũi vaccine đầu tiên được tiêm, các nhà sản xuất vaccine phương Tây và các quan chức y tế công cộng vẫn đang vật lộn để tìm ra điểm chung để thu hẹp khoảng cách giữa một số quốc gia. Cho đến đầu tháng 11, mới chỉ có 6% người dân ở Châu Phi được tiêm chủng đầy đủ, một con số quá nhỏ so với các nước phương Tây. Điểm mấu chốt để giải quyết vấn đề này đến từ vấn đề bản quyền: Công thức bí mật trị giá hàng tỷ USD của loại vaccine này.
Các quốc gia dẫn đầu là Ấn Độ và Nam Phi đã thúc đẩy đề xuất tại Tổ chức Thương mại Thế giới về việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine và phương pháp điều trị COVID-19. Giám đốc điều hành của Pfizer Inc., Albert Bourla, người đã gọi quyền sở hữu trí tuệ là “máu của khu vực tư nhân”, đã thẳng thắn phản đối những lời kêu gọi chia sẻ công nghệ của mình mặc dù những người ủng hộ cho rằng, điều đó sẽ thúc đẩy việc sản xuất vaccine.
Pfizer cho rằng đề xuất này dựa trên quan điểm khả năng của các công ty không đủ để sản xuất vaccine cho cả thế giới. “Ngành công nghiệp đang trên đường sản xuất đủ vaccine cho toàn thế giới vào giữa năm sau” - đại diện công ty cho biết trong một tuyên bố để trả lời các yêu cầu này.
Thông báo của Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai vào đầu tháng 5 rằng Chính quyền Tổng thống Biden sẽ hỗ trợ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đã gây ra một cú hích cho ngành dược phẩm, đảo ngược các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Washington D.C đã được ủng hộ suốt hàng thập kỷ. Tuy vậy, sau khi thực hiện cam kết bán 500 triệu liều vaccine cho chính phủ Mỹ để hỗ trợ các nước nghèo, công ty này từ chối tham gia các cuộc đàm phán cho WHO đề ra để cung cấp vaccine cho các nước nghèo.
“Cách tiếp cận của họ là kiểm soát nguồn cung cấp và trực tiếp làm việc với các quốc gia về các khoản đóng góp của họ” - Brook Baker, giáo sư luật tại Đại học Northeastern, nói về Pfizer. Ông cũng cho rằng việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ là một mối đe dọa lớn với công ty sản xuất dược phẩm này.