Biến thể Lambda (còn được gọi là biến thể C37) được phát hiện lần đầu tiên ở Peru vào tháng 8.2020 và kể từ đó, nó đã lan rộng ra 29 quốc gia, chủ yếu ở Nam Mỹ.
Trong khi nghiên cứu về chủng này vẫn còn trong những ngày đầu, dữ liệu đến nay cho thấy một số đặc điểm chính của biến thể khiến các chuyên gia lo lắng.
Giống như biến thể Delta, Lambda có khả năng lây truyền cao và có thể né được vaccine dễ dàng hơn so với phiên bản gốc của virus. Theo Viện Y tế Quốc gia Peru, Lambda chiếm hơn 80% tổng số ca nhiễm COVID-19 ở nước này.
Tiến sĩ Pablo Tsukayama, một nhà vi sinh vật học phân tử tại Đại học Cayetano Heredia, Lima, nói rằng có những dấu hiệu cho thấy Lambda dễ lây nhiễm hơn.
"Khi chúng tôi tìm thấy Lambda, biến thể này không thu hút nhiều sự chú ý. Nhưng đến tháng 3, Lambda chiếm 50% số mẫu ở Lima. Đến tháng 4, con số này tăng vọt lên 80% số mẫu ở Peru. Sự tăng vọt là dấu hiệu ban đầu cho thấy đây là một biến thể dễ lây lan hơn" - ông Tsukayama nói với Al Jazeera.
Vào tháng 6, Lambda đã được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thêm vào danh sách các biến thể đáng lo ngại. WHO định nghĩa một biến thể đáng lo ngại là biến thể có những thay đổi về gene ảnh hưởng đến khả năng lây lan, mức độ nghiêm trọng của bệnh, khả năng kháng miễn dịch, và đã được chứng minh là biến thể gây lây nhiễm cộng đồng đáng kể ở nhiều quốc gia.
Cho đến nay, Lambda đã lan đến 29 quốc gia trên thế giới.
Trong một bài báo trên trang The Conversation, Tiến sĩ Adam Taylor của Viện Y tế Menzies, Đại học Griffith của Queensland, Australia đã viết rằng vẫn chưa rõ mối đe dọa chính xác mà Lambda gây ra.
Ông nói: “Ở giai đoạn này, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để biết chắc chắn tác động của các đột biến đến sự lây truyền, khả năng kháng vaccine và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Bằng chứng sơ bộ cho thấy Lambda có thời gian dễ dàng lây nhiễm vào tế bào của chúng ta hơn và né tránh hệ thống miễn dịch của chúng ta hơn. Nhưng vaccine COVID-19 vẫn có tác dụng chống lại biến thể này".
Theo ông Taylor, các kháng thể được tạo ra từ nhiễm virus SARS-CoV-2 ban đầu không hoàn toàn hiệu quả trong việc vô hiệu hóa Lambda.
Theo nhà virus học, Tiến sĩ Ricardo Soto-Rifo, thuộc Viện Khoa học Y sinh Chile, đây có thể là lý do khiến biến thể này có tỉ lệ lây nhiễm cao.
Trong một nghiên cứu chưa được đánh giá ngang hàng khác, Tiến sĩ Nathaniel Landau - nhà vi sinh vật học tại Trường Y Grossman, Đại học New York Mỹ - cho biết, một loại virus giống Lambda do phòng thí nghiệm tạo ra có khả năng lây nhiễm gấp đôi so với loại virus SARS-CoV-2 ban đầu. Bất chấp kết quả này, ông Landau vẫn khuyên rằng bắt buộc phải tiêm vaccine.
Landau nói với National Geographic: "Điều quan trọng là Delta và Lambda đều là những virus có khả năng lây nhiễm cao. Nhưng nếu tiêm vaccine, bạn sẽ được bảo vệ. Tỉ lệ lây nhiễm những loại virus này sẽ giảm xuống ở những khu vực mà mọi người tiêm vaccine".