Tin vũ trụ nóng nhất tuần: Thủ phạm khiến sông hồ biến khỏi sao Hỏa

Song Minh |

Tìm ra "thủ phạm" khiến đại dương, sông hồ biến mất khỏi sao Hỏa; Tàu chở hàng của Trung Quốc cập bến trạm vũ trụ; Tiểu hành tinh bay sượt qua Trái đất rất gần mà không bị phát hiện... là những tin vũ trụ nóng nhất tuần qua.

Tìm ra "thủ phạm" khiến đại dương, sông hồ biến mất khỏi sao Hỏa

Nhờ những quan sát từ tàu thám hiểm sao Hỏa Curiosity và Perseverance của NASA, các nhà khoa học biết được trong quá khứ cổ đại, nước từng chảy khắp bề mặt sao Hỏa với hồ, sông, suối và thậm chí có thể là một đại dương khổng lồ bao phủ một diện tích lớn ở bán cầu bắc của hành tinh này.

Tuy nhiên, lượng nước đó đã thất thoát đáng kể vào khoảng 3,5 tỉ năm trước, biến mất vào không gian cùng với phần lớn bầu khí quyển của sao Hỏa.

Trong một nghiên cứu mới được công bố trực tuyến trên tạp chí Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ ngày 20.9, các nhà khoa học đã tìm ra nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự kiện mất nước trên sao Hỏa, đó là hành tinh này quá nhỏ nên về lâu dài không thể giữ được lượng nước trên bề mặt.

Tàu chở hàng của Trung Quốc cập bến thành công module lõi trạm vũ trụ

Thiên Châu 3 đang cập cảng phía sau của module lõi Thiên Hà. Ảnh: Tân Hoa Xã
Thiên Châu 3 đang cập cảng phía sau của module lõi Thiên Hà. Ảnh: Tân Hoa Xã

Tàu Thiên Châu 3 của Trung Quốc đã thành công cập bến module lõi Thiên Hà trên Trạm vũ trụ Thiên Cung hôm 20.9.

Trước đó, vào ngày 18.9, tàu chở hàng Thiên Châu 2 đã tách khỏi cảng phía sau Thiên Hà và neo đậu ở cảng phía trước.

Vụ phóng hôm 20.9 là sứ mệnh thứ 20 trong các chương trình không gian có người lái của Trung Quốc và là sứ mệnh thứ 389 của loạt tên lửa Trường Chinh.

Thiên Châu 3 mang theo gần 6 tấn hàng hóa và vật liệu, bao gồm đồ dùng sinh hoạt cho các phi hành gia, một bộ đồ không gian dự phòng, đồ dùng cho các hoạt động ngoài trời, bình ôxy... Lượng thức ăn và nước uống Thiên Châu 3 mang đến đủ cho 3 phi hành gia sử dụng trong 6 tháng.

Động cơ tiên tiến đưa tàu vũ trụ NASA đến tiểu hành tinh đắt giá Psyche

Tiểu hành tinh 16 Psyche. Ảnh: NASA
Tiểu hành tinh 16 Psyche. Ảnh: NASA

NASA tiết lộ, tàu vũ trụ Psyche dự kiến phóng đi tháng 8.2022 sẽ dựa vào động cơ tên lửa hóa học lớn của phương tiện phóng Falcon Heavy để rời bệ phóng và thoát khỏi lực hấp dẫn của Trái đất. Phần còn lại của hành trình, khi tàu vũ trụ tách khỏi phương tiện phóng, sẽ dựa vào động cơ đẩy bằng điện mặt trời.

Tàu vũ trụ Psyche dự kiến đi khoảng 2,4 tỉ km từ Trái đất trong 3 năm rưỡi để đi tới tiểu hành tinh đắt giá 16 Psyche.

16 Psyche là một trong những thiên thể bí ẩn nhất trong Hệ Mặt trời. Tiểu hành tinh 16 Psyche được tạo thành từ sắt, niken và một số kim loại quý hiếm khác, bao gồm vàng, bạch kim và đồng. Nếu có thể vận chuyển trở lại Trái đất, chỉ riêng số sắt trên 16 Psyche đã trị giá 10 tỉ tỉ USD.

Phát hiện khoang khổng lồ bí ẩn trong Dải Ngân hà

Vị trí khoang hình cầu trong Dải Ngân hà được mô tả bên phải. Ảnh phóng to của khoang (bên trái) cho thấy các đám mây phân tử Perseus và Taurus có màu xanh lam và đỏ. Ảnh: Alyssa Goodman/Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard & Smithsonian)
Vị trí khoang hình cầu trong Dải Ngân hà được mô tả bên phải. Ảnh phóng to của khoang (bên trái) cho thấy các đám mây phân tử Perseus và Taurus có màu xanh lam và đỏ. Ảnh: Alyssa Goodman/Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard & Smithsonian)

Các nhà thiên văn học phát hiện ra một khoang hình cầu khổng lồ trong Dải Ngân hà. Nó được cho là hình thành sau vụ nổ sao cách đây hàng triệu năm.

Khoảng trống hình cầu rộng đến 500 năm ánh sáng và nằm giữa các "vườn ươm sao" trong chòm sao Perseus và chòm sao Taurus. Các ngôi sao vốn được hình thành từ các đám mây bụi và khí, được gọi là đám mây phân tử hay ''vườn ươm sao''.

Nhà nghiên cứu Shmuel Bialy từ Viện Lý thuyết và Tính toán (ITC) thuộc Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian (CfA) cho biết: "Hàng trăm ngôi sao đang hình thành hoặc tồn tại trên bề mặt của khoang khổng lồ này. Chúng tôi có hai giả thuyết - hoặc một siêu tân tinh đã đi ra khỏi lõi của khoang và đẩy khí ra bên ngoài, tạo thành cái mà hiện chúng tôi gọi là "Siêu vỏ Perseus-Taurus", hoặc một loạt siêu tân tinh xuất hiện trong hàng triệu năm đã tạo ra nó theo thời gian".

Giả thuyết mới thảm khốc hơn về sự ra đời của Mặt trăng

Giả thuyết vụ va chạm lớn về nguồn gốc hình thành Mặt trăng của Trái đất liên quan tới hành tinh Theia đâm vào Trái đất cách đây hơn 4,4 tỉ năm. Ảnh minh họa vụ va chạm của NASA
Giả thuyết vụ va chạm lớn về nguồn gốc hình thành Mặt trăng của Trái đất liên quan tới hành tinh Theia đâm vào Trái đất cách đây hơn 4,4 tỉ năm. Ảnh minh họa vụ va chạm của NASA

Mặt trăng, vệ tinh tự nhiên duy nhất của Trái đất, ra đời trong trạng thái vô cùng khốc liệt, tập hợp lại từ vật chất bị nổ tung vào không gian sau khi thiên thể cỡ sao Hỏa tên là Theia đâm vào Trái đất hơn 4,4 tỉ năm trước.

Tuy nhiên, nghiên cứu mới của giáo sư Erik Asphaug tại Phòng thí nghiệm Mặt trăng và Hành tinh (LPL) của Đại học Arizona, Mỹ, chỉ ra, có một số vấn đề với kịch bản va chạm tiêu chuẩn này.

Giáo sư Asphaug và các cộng sự triển khai mô phỏng máy tính về vụ va chạm khổng lồ và đưa ra giả thuyết về nguồn gốc Mặt trăng mà nhóm cho là phù hợp hơn: Theia và tiền Trái đất đã va chạm với tốc độ nhanh hơn nhận định trước đây, tạo ra va chạm ban đầu rồi tách ra ngay để tạo tiền đề cho một tương tác khác chậm hơn của 2 thiên thể trong khoảng 100.000 đến 1 triệu năm sau đó.

Nhân tố sao Hỏa khiến trực thăng NASA đối mặt giây phút sống còn

Trực thăng sao Hỏa Ingenuity chuẩn bị có chuyến bay thứ 14. Ảnh: NASA
Trực thăng sao Hỏa Ingenuity chuẩn bị có chuyến bay thứ 14. Ảnh: NASA

Trực thăng sao Hỏa của NASA đã sẵn sàng cho chuyến bay thứ 14, nhưng không khí sao Hỏa loãng đang khiến trực thăng đối mặt khoảnh khắc sống còn.

Ingenuity không được thiết kế bay trong các điều kiện theo mùa. Ban đầu, mật độ khí quyển trong miệng núi lửa Jezero tương đương với khoảng 1,2% đến 1,5% của Trái đất. Nhưng hiện tại mật độ đang đạt mức 1% trong các giờ buổi chiều được ưu tiên cho chuyến bay.

Sự khác biệt về khí quyển có vẻ nhỏ, nhưng nó có tác động đáng kể đến khả năng bay của Ingenuity. Biên độ lực đẩy của Ingenuity đã giảm dần khi bầu khí quyển sao Hỏa mỏng đi. Nếu mật độ khí quyển giảm xuống quá sâu, Ingenuity có thể ngừng hoạt động giữa không trung.

Song Minh
TIN LIÊN QUAN

Sửng sốt với khả năng xác ướp sao Hỏa tốt hơn xác ướp Ai Cập

Ngọc Vân |

Một ngày nào đó nếu con người chết trên sao Hỏa sẽ trở thành xác ướp được bảo quản tốt hơn xác ướp Ai Cập.

NASA sắp phóng vệ tinh mạnh nhất từ trước đến nay

Khánh Minh |

NASA dự kiến phóng vệ tinh Landsat 9 mạnh nhất từ trước đến nay lên quỹ đạo từ bờ biển California, Mỹ vào ngày 27.9.

Tin vũ trụ nóng nhất tuần: Thời điểm con người có thể lên sao Hỏa

Song Minh |

Tin vũ trụ nóng nhất tuần qua có thể kể đến là: Dự báo thời điểm con người có thể lên sao Hỏa; Giải mã bí ẩn vũ trụ 900 năm ở Trung Quốc; Ngắm hiện tượng kỳ thú của sao Thủy bằng mắt thường...

Nguyện vọng của trái chủ trong vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2

NHÓM PV |

TPHCM - Nhiều bị hại liên quan đến sai phạm xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn đã có mặt tại TAND TPHCM để theo dõi phiên xét xử.

Mưa ngập, hơn 11.000 học sinh vùng trũng ở Hà Tĩnh nghỉ học

TRẦN TUẤN |

Sáng 20.9, tại huyện Hương Khê và Hương Sơn (Hà Tĩnh) xảy ra mưa lớn, ngập cục bộ nên hơn 11.000 học sinh ở khu vực trũng thấp được cho nghỉ học.

So sánh hình ảnh TP Yên Bái hiện tại và thời điểm bão lũ lịch sử

Trần Bùi - Vũ Bảo |

Trận đại hồng thủy đã đi qua TP Yên Bái gần 10 ngày, hiện nước đã rút, đường đã khô, cuộc sống người dân đã dần ổn định trở lại.

Giá vàng hôm nay 20.9: Vàng nhẫn tăng sốc

Khương Duy |

Giá vàng hôm nay 20.9 tăng mạnh ở thị trường trong nước và thế giới. Giá vàng nhẫn tròn trơn 9999 sáng nay sắp bằng giá vàng miếng SJC.

Giám đốc công ty làm máy nhắn tin cho Hezbollah bị điều tra

Anh Vũ |

Công ty Gold Apollo, có trụ sở tại Đài Loan (Trung Quốc), đang bị điều tra liên quan đến vụ nổ hàng nghìn máy nhắn tin của lực lượng Hezbollah.