Về vụ nổ Nord Stream, các nhà điều tra, chuyên gia và phương tiện truyền thông phương Tây đã đánh giá quá cao chất nổ được sử dụng để làm nổ tung đường ống dẫn khí đốt này và đã xác định sai các vị trí nổ - nhà báo Mỹ Max Blumenthal và Wyatt Reed lập luận trong bài đăng trên The Grayzone.
Đường ống Nord Stream 1 và Nord Stream 2 được xây dựng để vận chuyển khí đốt Nga tới Đức. Đường ống dẫn khí này đã bị phá huỷ trong vụ nổ dưới nước vào tháng 9.2022.
Đoạn phim dưới đáy biển về hiện trường vụ nổ Nord Stream 1 và Nord Stream 2 cho thấy, hầu hết những điểm bị phá huỷ quan sát được trên các đường ống dẫn khí “không phải do bản thân vụ nổ, mà bởi áp suất cực cao được giải phóng nhanh", các nhà báo lưu ý sau khi dẫn phân tích của một số chuyên gia. Đoạn phim do kỹ sư người Thuỵ Điển Erik Andersson - trưởng nhóm điều tra tại các điểm nổ đường ống Nord Stream - cung cấp.
Những hình ảnh công khai đầu tiên về tuyến đường ống Nord Stream sau cuộc tấn công vào tháng 9.2022 do Blueye Robotics - công ty Na Uy chuyên sản xuất thiết bị không người lái dưới nước - ghi lại.
Dù đoạn phim cho thấy đoạn đường ống bị phá huỷ nhưng các nhà báo lập luận rằng nhóm của Blueye có thể đã “không ghi lại được hiện trường vụ nổ”, do nhầm lẫn giữa vị trí bị thiệt hại do giảm áp suất với địa điểm nổ chính.
Michael Kobs - nhà điều tra độc lập có chuyên môn kỹ thuật - nhận định, đoạn phim của Blueye cho thấy hiện trường là “kết quả của lực căng cơ học và quá trình giảm áp do nổ ở các đường ống có áp suất cực lớn".
Cả chuyên gia Kobs và Andersson đều tin rằng thiệt hại được đề cập đã khiến các nhà điều tra vụ Nord Stream bị lạc hướng. Họ nhận định chất nổ gây nổ tung đường ống Nord Stream 1 và 2 ở những địa điểm khác với các địa điểm đã được thông tin trước đó.
Đoạn phim do The Grayzone công bố cũng cho thấy thông tin ngược lại với tuyên bố trước đó của các quan chức phương Tây rằng "vài trăm kg" chất nổ đã được sử dụng trong vụ tấn công đường ống Nord Stream.
Dù các nhà điều tra Đan Mạch và Thụy Điển thông tin với Liên Hợp Quốc rằng dữ liệu địa chấn ủng hộ kết luận trên nhưng chuyên gia Kobs giải thích, “sự kiện địa chấn dường như hoàn toàn do sự giãn nở đột ngột của khí gây ra” và “các vụ nổ thực tế có thể không để lại dấu vết trong dữ liệu địa chấn”.
Các nhà báo ước tính có tới 50 kg TNT, hoặc 40 kg HMX đã được sử dụng cho mỗi vụ nổ tại 2 đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 và Nord Stream 2.
Tuy nhiên, loại cơ chế được sử dụng để kích nổ bom vẫn chưa rõ ràng. Nhà báo điều tra Seymour Hersh trước đây từng dẫn nguồn tin nhận định, ngòi nổ định giờ đã được sử dụng trong vụ Nord Stream, nhưng nhà báo Blumenthal và Reed cho rằng giả thuyết này khó khả thi vì cách duy nhất để dừng một bộ hẹn giờ “là quay lại hiện trường vụ án”.
Vị trí của các điểm nổ của 2 đường ống dẫn khí đốt nối liền Nga và Đức nằm trong vùng biển được bảo vệ cẩn thận sẽ khiến hoạt động như vậy khó có thể thực hiện mà không bị phát hiện.