Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã yêu cầu Tòa án Tối cao Mỹ huỷ bỏ phần tranh luận miệng của các luật sư về việc xây dựng bức tường biên giới với Mexico và chính sách tị nạn “Ở lại Mexico" sau khi Tổng thống Joe Biden ký một số lệnh hành pháp trong những tuần gần đây nhằm đảo ngược các chính sách nhập cư cứng rắn của cựu Tổng thống Donald Trump dọc theo biên giới phía nam.
Tòa án Tối cao Mỹ dự kiến sẽ nghe các luật sư của hai vụ tranh luận miệng, tóm tắt quan điểm của họ trước tòa và trả lời câu hỏi của thẩm phán lần lượt vào ngày 22.2 và ngày 1.3. Tuy nhiên, theo hãng tin UPI, quyền Tổng luật sư Mỹ Elizabeth Prelogar đã yêu cầu các thẩm phán hoãn các hồ sơ pháp lý tiếp theo trong các vụ việc và loại bỏ chúng ra khỏi lịch tranh tụng.
Vụ việc bức tường biên giới Mỹ-Mexico liên quan đến một thách thức pháp lý cáo buộc ông Donald Trump vượt quá quyền hạn hiến pháp của mình và vi phạm thẩm quyền của Quốc hội bằng cách chuyển các quỹ quân sự đã được các nhà lập pháp phê duyệt để trả tiền cho bức tường. Năm 2019, Bộ Quốc phòng đã cung cấp 2,5 tỉ USD cho Bộ An ninh Nội địa để xây dựng bức tường ở biên giới Mỹ-Mexico.
Trong ngày đầu tiên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đã ký sắc lệnh hành pháp tạm dừng việc xây dựng bức tường biên giới và chấm dứt tuyên bố khẩn cấp quốc gia mà ông Donald Trump đưa ra để tài trợ cho dự án.
Liên minh Tự do Dân sự Mỹ ACLU, nguyên đơn trong cả hai vụ việc, nhận định về yêu cầu trì hoãn của chính quyền ông Joe Biden rằng, đó là "một khởi đầu tốt mà chính quyền ông Joe Biden không vội vàng bảo vệ bức tường bất hợp pháp của ông Donald Trump trước tòa".
"Bức tường của ông Donald Trump đã tàn phá các cộng đồng biên giới, môi trường của các bộ tộc" - Dror Ladin, luật sư cấp cao Dự án An ninh Quốc gia của ACLU, cho biết trong một tuyên bố.
Vụ việc thứ hai liên quan đến cái gọi là chính sách "Ở lại Mexico", trong đó hàng chục nghìn những người di cư xin tị nạn ở Mỹ được yêu cầu ở lại Mexico trong khi chờ đợi thủ tục xem xét hồ sơ xin tị nạn. Khoảng 68.7000 người di cư là đối tượng của chính sách này.