“Có vẻ như ông Kim Jong-un và đoàn tháp tùng đến thăm trung tâm khoa học nông nghiệp. Điều này có thể phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của Bình Nhưỡng trong cải cách nông nghiệp”- nguồn tin của Yonhap nói.
Địa điểm ông Kim Jong-un thăm là cơ sở nhóm quan chức Triều Tiên do ông Pak Thae-song - Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động- dẫn đầu đến trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 5.
Truyền thông Triều Tiên cho hay, ông Pak Thae-song và Thủ tướng Pak Pong-ju - những người có chuyên môn về khoa học, kinh tế - trong đoàn tháp tùng ông Kim Jong-un.
Trong diễn biến liên quan, Today đưa tin, Ủy ban Xúc tiến Thương mại Quốc tế Triều Tiên mời các doanh nghiệp Singapore đến thăm nước này để tìm kiếm cơ hội kinh doanh. Lời mời được đưa ra ngày 13.6, 1 ngày sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo Kim Jong-un tại Singapore.
Ông Michael Heng - cựu phó giáo sư Đại học Công nghệ Nanyang, hiện là giám đốc 1 công ty tư vấn - có mối quan hệ cá nhân với các nhân viên Đại sứ quán Bình Nhưỡng ở Singapore, đã liên hệ và cho biết, có khoảng 18 doanh nhân tham gia chuyến đi này.
Thư mời mang con dấu chính thức của ủy ban cho biết, chuyến đi là “cơ hội tốt… để xác nhận ý chí của chúng tôi trong mong muốn phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Singapore và các nước khác”. Chuyến đi là các cuộc họp kinh doanh nhằm “đối thoại cởi mở với những nhân vật chủ chốt” để tìm ra cách thức hợp tác trong các dự án thương mại và đầu tư, theo Today.
Chuyến thăm mới nhất của ông Kim Jong-un đến Trung Quốc được coi là nỗ lực nhằm củng cố quan hệ 2 nước trước khi Triều Tiên bắt đầu đàm phán cấp cao với Mỹ về từ bỏ vũ khí hạt nhân. Một số chuyên gia cho rằng, Bình Nhưỡng cũng muốn tranh thủ sự hỗ trợ của Trung Quốc trong nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế.
“Ông Tập Cận Bình muốn ông Kim Jong-un bắt đầu cải cách kinh tế như Trung Quốc” và “họ sẽ dành phần lớn thời gian để thảo luận về nội dung này” - Oriana Skylar Mastro - chuyên gia Trung Quốc tại Viện Doanh nghiệp Mỹ nói.
Trong những năm qua, Triều Tiên chú trọng hơn vào việc thúc đẩy nền kinh tế, mà mở đầu là chính sách “byongjin” do ông Kim Jong-un đưa ra với mục tiêu phát triển song song kinh tế và hạt nhân, được thông qua tại cuộc họp Đảng Lao động Triều Tiên tháng 3.2013. Trong phát biểu đầu năm nay, ông Kim Jong-un cho biết, nước này sẽ tập trung vào cải thiện nền kinh tế.
Trung Quốc thành công lớn trong việc giảm 800 triệu người nghèo đói nhờ cải cách năm 1978, theo Ngân hàng Thế giới (WB). Nếu bất kỳ quốc gia nào có thể giúp Bình Nhưỡng cải thiện nền kinh tế, đó chính là Bắc Kinh, Vox nhận định.