Everest sẽ giành được quyền với vaccine mRNA Providence ở Trung Quốc và các quốc gia bao gồm Indonesia, Singapore và Thái Lan.
Theo thông cáo ngày 13.9, công ty Trung Quốc sẽ trả trước 100 triệu USD để tiếp cận vaccine và công nghệ mRNA đồng thời khoản chia sẻ lợi nhuận lên tới 100 triệu USD.
Thỏa thuận cũng bao gồm một khoản thanh toán khác lên tới 300 triệu USD bằng cổ phiếu nếu có các sản phẩm khác được phát triển bằng cách sử dụng nền tảng công nghệ mRNA của Providence.
Trung Quốc vẫn chưa có vaccine mRNA. Khoảng 1 tỉ người dân đã tiêm chủng đầy đủ ở nước này hầu hết dùng vaccine bất hoạt từ Sinopharm và Sinovac.
Thỏa thuận của công ty Fosun Pharmaceutical Group về việc bán vaccine COVID-19 BioNTech ở Trung Quốc đại lục hiện chưa được cơ quan quản lý phê duyệt.
Nếu được chấp thuận, vaccine Everest-Providence có thể sẽ được dùng làm vaccine tiêm nhắc lại ở Trung Quốc do hầu hết dân số đã tiêm chủng, theo Giám đốc điều hành Everest Kerry Blanchard.
Việc Everest chuyển giao toàn bộ công nghệ vaccine của Providence có nghĩa là công ty Trung Quốc sẽ có vai trò lớn hơn với vaccine, tức vaccine này có cơ hội được xem là vaccine Trung Quốc trong khi Fosun Pharma chỉ sản xuất và phân phối vaccine BioNTech.
Do vaccine Providence mới chỉ hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 1 ở Canada do đó rất khó để đưa ra mốc thời gian cho quá trình phát triển loại vaccine này. Dù vậy, thử nghiệm giai đoạn 3 có thể sẽ bắt đầu trong năm nay hoặc đầu năm sau, ông Kerry Blanchard lưu ý.
Tại Trung Quốc, vaccine mRNA nội địa do công ty công nghệ sinh học Walvax phát triển đang trong thử nghiệm giai đoạn 3 và dự kiến có dữ liệu về hiệu quả vào cuối năm nay. Sinopharm cũng đang nghiên cứu phát triển vaccine mRNA chống các biến thể COVID-19.