Cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc lên tiếng lo ngại rằng khẩu trang, kính và các thiết bị bảo hộ khác dành cho nhân viên y tế đang dần cạn kiệt trong bối cảnh mua tích trữ và thao túng thị trường.
"Chúng tôi lo ngại rằng khả năng ứng phó của các quốc gia đang bị ảnh hưởng vì nguồn cung thiết bị bảo hộ cá nhân toàn cầu đang bị gián đoạn ngày càng nghiêm trọng... do nhu cầu tăng cao, tích trữ và lạm dụng", tờ CNA dẫn lời người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
"Chúng ta không thể chống COVID-19 mà không bảo vệ các nhân viên y tế", ông Tedros nói. Giá của khẩu trang y tế đã tăng gấp sáu lần, trong khi chi phí cho máy thở đã tăng gấp ba.
Ông Tedros cho biết WHO đã vận chuyển hơn nửa triệu bộ thiết bị bảo hộ cá nhân tới 27 quốc gia, nhưng cảnh báo rằng "nguồn cung đang cạn kiệt nhanh chóng".
Ông kêu gọi tăng cường sản xuất và cho biết WHO ước tính để ứng phó với COVID-19 sẽ cần 89 triệu khẩu trang y tế, 76 triệu đôi găng tay và 1,6 triệu kính bảo hộ mỗi tháng.
Theo thống kê mới nhất của AFP, hơn 3.100 người đã chết vì COVID-19, trong khi hơn 92.000 người đã bị nhiễm bệnh trên 77 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Tedros cho biết ông hiểu lý do tại sao mọi người đổ xô đi dự trữ: "Sợ hãi là một phản ứng tự nhiên của con người trước bất kỳ mối đe dọa nào, đặc biệt là mối đe dọa mà chúng ta không nắm rõ".
Nhưng sự hiểu biết về virus và cách lây lan của nó đang ngày một tăng lên, ông cũng nhấn mạnh rằng COVID-19 "rất khác biệt".
So sánh COVID-19 và cúm mùa
Mặc dù thường được so sánh với bệnh cúm, ông Tedros nhấn mạnh loại virus mới này nguy hiểm hơn nhiều: "Nhiều người dễ bị nhiễm bệnh hơn và một số người sẽ nhiễm bệnh ở tình trạng nghiêm trọng. Khoảng 3,4% trường hợp COVID-19 đã chết trên toàn cầu. Để so sánh, cúm mùa thường giết chết ít hơn 1% những người mắc bệnh."
Và trong khi nhiều người đã tăng cường miễn dịch đối với bệnh cúm mùa, "không ai có khả năng miễn dịch" với virus Corona mới (COVID-19), ông Tedros thừa nhận.
Nhưng đồng thời, COVID-19 không lây lan dễ dàng như cúm và không "dễ khống chế" như cúm.
Một sự khác biệt khác, theo người đứng đầu WHO, là mặc dù cúm có thể dễ dàng lây lan từ những người không có triệu chứng, nhưng bằng chứng từ Trung Quốc cho thấy "chỉ 1% các trường hợp được báo cáo không có triệu chứng".