Có cầu thủ ngoại chưa hẳn đã là giải chuyên nghiệp
Giải Bóng chuyền vô địch quốc gia được nhìn nhận là giải đấu có tính chất chuyên môn cao nhất Việt Nam, có sức hút lớn nhất với người hâm mộ. Giải đấu do Cục Thể dục Thể thao và Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam phối hợp tổ chức thường niên.
Năm 2024, giải đấu tiếp tục cho các đội được đăng ký tối đa hai cầu thủ ngoại (ngoại binh) trong đội hình và trên sân chỉ được một ngoại binh.
“Năm nay là năm cuối để giải Bóng chuyền vô địch quốc gia có 9 đội nam, 9 đội nữ. Sau năm nay, số đội bóng ở giải vô địch quốc gia sẽ chỉ còn 8 đội nam, 8 đội nữ. Đây là lộ trình để từ năm 2025, giải Bóng chuyền vô địch quốc gia được tổ chức chặt chẽ nhất, có hệ thống thi đấu xuyên suốt và phương thức tổ chức phù hợp nhất”, Tổng thư ký Liên đoàn bóng chuyền Việt Nam - ông Lê Trí Trường cho biết.
Đến lúc này, số ngoại binh đăng ký chuẩn bị cho giai đoạn một của giải Bóng chuyền vô địch quốc gia là hơn 20 cầu thủ, từ 16 đội bóng. Tuy nhiên, nhìn nhận vấn đề, nhà tổ chức hiểu rằng giải đấu phải tiến tới chuyên nghiệp thì sẽ tạo sức hút, có thương hiệu, trở thành món ăn tinh thần quan trọng trong đời sống văn hóa, thể thao người dân.
Thực tế ghi nhận hai mùa giải vô địch quốc gia 2022 và 2023 đã có ngoại binh đến Việt Nam thi đấu. Vậy nhưng, lượng khán giả vào sân theo dõi trực tiếp là không đông.
Chuẩn bị cho năm 2024, một số đội bóng sớm có ý kiến việc ban tổ chức thực hiện lịch thi đấu trận dự kiến có trong khung 13 giờ trưa. Như vậy khó đảm bảo sức khỏe và khoa học thể thao chuyên môn. Do thế, việc điều chỉnh thời gian còn phải diễn ra.
Thứ nữa, nhà thi đấu ở mỗi địa phương là khác nhau. Không phải nhà thi đấu nào cũng đạt chuẩn dành cho thi đấu bóng chuyền đỉnh cao dù lắp đặt thảm, đèn đủ ánh sáng. Trên hết, các đội bóng chờ đợi sân đấu đủ diện tích đạt chuẩn thì mới đúng là giải bóng chuyền thành tích cao.
Năm 2022 và 2023, giải Bóng chuyền vô địch quốc gia ghi nhận ngoại binh đến từ Thái Lan, Azerbaijan, Nhật Bản, Ukraina, Croatia, Venezuela, Indonesia, Campuchia, Kazakhstan, Bulgaria, Cameroon, Brazil... đã đến Việt Nam thi đấu.
Dẫu vậy, chỉ một cầu thủ khiến khán giả nhớ tên và cổ vũ đông đảo nhất là Polina Rahimova (Azerbaijan) nhưng chắc chắn chỉ riêng tay đập này vẫn chưa đủ giúp giải Bóng chuyền vô địch quốc gia có sức hút mạnh mẽ nhất.
Phải kiếm được tiền
Tổng thư ký Lê Trí Trường khẳng định, hiện tại giải Bóng chuyền vô địch quốc gia chưa có nguồn thu bản quyền truyền hình. Các trận đấu vẫn được phát trực tiếp. Hướng đến giải đấu chuyên nghiệp, nhà tổ chức phải kêu gọi nhiều nguồn tài trợ và bán được bản quyền truyền hình.
Điều duy nhất mà giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Việt Nam tiếp cận được với bóng chuyền chuyên nghiệp thế giới bây giờ là đã trang bị được hệ thống camera giám sát (video eyes challenge).
Từ năm 2022, giải Bóng chuyền vô địch quốc gia Việt Nam đã có hệ thống này để giảm thiểu hơn những tranh cãi của trọng tài cũng như cầu thủ và các đội bóng Việt Nam không còn bỡ ngỡ khi biết mình có quyền được khiếu nại bằng hình ảnh.
“Bóng chuyền Việt Nam khi rút gọn còn 8 đội nam, 8 đội nữ sẽ nỗ lực nâng cao chất lượng giải hướng đến có sức hút mạnh mẽ nhất”, ông Lê Trí Trường phân tích thêm.
Lúc này, các đội vô địch giải Bóng chuyền vô địch quốc gia (nam, nữ) nhận thưởng 500 triệu đồng/đội. Tuy nhiên, để tính một hành trình xa, khoản tài nguyên hình ảnh, truyền hình của giải Bóng chuyền vô địch quốc gia sẽ phải làm được hiệu quả hơn nhằm có nguồn lợi nhuận phù hợp với thể thao chuyên nghiệp nói chung.
Năm nay, giai đoạn 1 nội dung nữ giải Bóng chuyền vô địch quốc gia 2024 sẽ khởi tranh ngày 16.3 ở Bình Phước, còn giai đoạn 1 nội dung nam bắt đầu thi đấu ngày 30.3 tại Hà Tĩnh.
Trong ngày 27.2, giải đấu đầu tiên của bóng chuyền trong nước có tính chất khởi động trước giải vô địch quốc gia 2024 là cúp Hoa Lư Bình Điền 2024 đã khai mạc ở Ninh Bình.