Cách đây 18 năm, trước thềm giải VĐQG nữ 2002, lãnh đạo VFF đã từng bật mí về khả năng Trung Nguyên sẽ tài trợ cho bóng đá nữ Việt Nam khoản tiền khoảng 500 triệu. Đổi lại, Trung Nguyên được trưng 24/48 biển quảng cáo mang nhãn hiệu của mình trên sân và được LĐBĐ Việt Nam công nhận là nhà tài trợ chính của giải.
500 triệu thời điểm đó là rất lớn, thế nhưng thương vụ không thành. Trung Nguyên có tiền nhưng bóng đá Việt lại không đáp ứng được những yêu cầu nhà tài trợ như sự quan tâm của khán giả, số lượng trận đấu truyền hình trực tiếp…
18 năm trước, khi Trung Nguyên đặt vấn đề với bóng đá nữ, là thời điểm nhiều thành viên của đội tuyển bóng đá nữ hiện tại mới… ra đời.
Trung Nguyên của Đặng Lê Nguyên Vũ chưa bao giờ gắn với bóng đá thì người vợ ông, sau vụ ly hôn đình đám đã quyết định làm cái việc mà ông chồng cũ chưa làm. Đó là bỏ ra một khoản tiền lớn tài trợ cho bóng đá.
"Cà phê là thức uống được cả thế giới ưa chuộng thì bóng đá là môn thể thao khiến hàng tỉ người trên thế giới thổn thức, vỡ òa. Chứng kiến đội tuyển quốc gia Việt Nam thi đấu máu lửa trước các đối thủ lớn, tôi thấy đội tuyển và King Coffee có một điểm chung chính là tính chinh phục. Tôi khao khát và quyết tâm đưa cà phê Việt Nam chinh phục thị trường thế giới, bóng đá Việt Nam cũng vậy", bà Diệp Thảo nói.
Đáng quý. Bởi đây là lúc bóng đá Việt đặc biệt khó khăn khi kêu gọi các nhà tài trợ. Nhất là trong bối cảnh VFF đặt mục tiêu tạo nguồn thu 256 tỉ đồng trong năm 2020 nhưng vì dịch COVID-19 nên doanh thu giảm 6%, tương đương 15 tỉ đồng.
Đáng quý. Bởi nói như bà Diệp Thảo, Công ty TNI (sở hữu thương hiệu King Coffee) không chỉ tài trợ tiền mà còn trao cơ hội cho các cầu thủ bóng đá nữ có thể làm chủ các cửa hàng của TNI để khởi nghiệp, trang trải cuộc sống sau thời gian cống hiến cho đội tuyển.
Của cho không bằng cách cho. VFF hôm qua đón nhận tài trợ và cảm nhận được sự chân thành. Điều đó, thể hiện ở nụ cười của HLV tuyển nữ Mai Đức Chung và cả ông Park Hang-Seo.