Trước khi Tuyển Indonesia thắng Tuyển Việt Nam 1-0 tại vòng bảng Asian Cup 2023, họ trải qua 7 năm không thể thắng “Những chiến binh sao vàng”. Không phải là câu chuyện điển hình nhưng điều đó cũng phần nào nói lên rằng, trong thể thao, những kẻ bại trận thường nỗ lực hơn người chiến thắng. Điều đó hoàn toàn đúng, khi phải tìm cách, tìm phương pháp để thay đổi bản thân tốt hơn.
Bóng đá Indonesia cũng vậy, họ đã có hướng đi cho mình, như tất cả đều thấy là nhập tịch nhiều cầu thủ để nâng cao chất lượng đội tuyển. Rõ ràng là hoàn toàn không thể chỉ trích, chê trách con đường của bất kỳ ai - nếu không phải là con đường sai trái, bởi chuyện ở đội tuyển Pháp và nhiều đội tuyển khác đa phần người hâm mộ bóng đá đều biết.
Vấn đề ở đây là, con đường đó đưa ta đi nhanh hay đi chậm liệu có quan trọng bằng đi đến đích? Việt Nam có câu chuyện về “Rùa và Thỏ”, danh tính của kẻ thắng, người bại ở vạch đích cũng không phải điều đáng bàn, mà ý nghĩa sâu xa là lựa chọn đúng đắn, bền bỉ, trung thành.
Việc nhập tịch cầu thủ giúp Đội tuyển Indonesia mạnh hơn trong giai đoạn này, nhưng trong quá trình đó, nếu không chuẩn bị cho các cầu thủ nội, trong tương lai họ sẽ ra sao? Chính sách nhập tịch có thực hiện được mãi trong dài hạn?
Như đã nói, không đi sâu vào lựa chọn của những nền bóng đá khác, bóng đá Việt Nam cần có định hướng cụ thể, rõ ràng cho tương lai sau khi đã lãng phí quá nhiều thời gian của việc chuyên nghiệp hóa nền bóng đá. Rất nhiều lần cụm từ “tầm nhìn” đã được nhắc đến - không chỉ riêng khía cạnh bóng đá hay thể thao, nhưng khi tiệm cận thời gian đó, đạt được điều gì không phải nhắc lại.
Huấn luyện viên Philippe Troussier chấp nhận mọi sự chỉ trích vì kết quả không tốt của đội tuyển, nhưng thực ra, chúng ta phải trách chính mình vì để đến thời điểm này vẫn phải chọn cách “tập đi” và đi chậm như vậy. Nhưng đã đi, thì kiên nhẫn!