“Không vội vàng hưởng thụ, khi còn trách nhiệm”
Cặp bài trùng Đình Tùng - Văn Thắng và Hoàng Vũ Samson đã tạo nên “hàng tấn công 100 tuổi” khiến các hậu vệ Than Quảng Ninh khốn khổ. Ngay phút thứ 2, pha thoát xuống ở tốc độ của Tùng “con” buộc tiền vệ nhập tịch Trần Trung Hiếu phạm lỗi trong vòng cấm, thế nhưng Samson lại đá hỏng phạt đền đáng tiếc.
Mùa trước, đúng thời điểm đội chìm sâu vào khủng hoảng và ở ranh giới “sinh tử”, Đình Tùng đã lên tiếng với bàn thắng mang về 1 điểm “quý hơn vàng” trước Bình Dương, giúp Thanh Hóa giành quyền đá trận play-off trụ hạng. Và 90 phút nghẹt thở với Phố Hiến trên sân Vinh, vẫn là Hoàng Đình Tùng với pha chuyền bóng tinh tế để Văn Thắng lập siêu phẩm giúp Thanh Hoá ở lại với V.League. Tùng là “người hùng” và dù không còn ở thời kỳ đỉnh cao phong độ nhưng luôn biết cách để toả sáng mỗi khi đội bóng quê hương cần nhất. Bản lĩnh và giá trị của một cầu thủ lớn trong đội là ở chỗ đó...
“Tôi luôn nói với anh em rằng, ngoài việc nhận đồng lương, thưởng để đá bóng thì mình còn đang khoác áo đội bóng quê hương. Năm ngoái hay năm nay thì mình đều có trách nhiệm như một người anh lớn chứ không phụ thuộc vào chiếc băng đội trưởng. Mình cố gắng nhiệt huyết trong cả tập luyện và thi đấu để làm gương trước, động viên anh em.
32 tuổi đúng là không còn trẻ nhưng tôi còn sức thì còn phải cày. Tôi nghĩ rằng mình tập là để cho các em trẻ nhìn vào, đấy cũng là một cách để cống hiến cho đội bóng chứ không hẳn cứ phải vào sân, ghi bàn hay tỏa sáng. Mình lớn tuổi không có nghĩa là vội vàng cho phép hưởng thụ, khi đang còn trách nhiệm” - Đình Tùng chia sẻ, quan điểm rất đàn ông.
Một tấm gương và hình tượng của Thanh Hóa
Hơn 10 năm đá đội 1, tích lũy được một khối tài sản kha khá nhưng chưa một ai ở Thanh Hóa thấy sự thay đổi nơi Đình Tùng. Anh vẫn duy trì việc tập luyện, thi đấu với sự chuyên nghiệp, vẫn nguyên vẹn đam mê. Dù có vị thế, cống hiến nhưng chưa bao giờ có chuyện cầu thủ này đưa ra yêu cầu nào về lương bổng hay phí ký hợp đồng. Khi mùa giải 2018 kết thúc, Tập đoàn FLC rút lui và Thanh Hoá đối diện với nguy cơ chảy máu lực lượng, nhiều trụ cột tìm cách “bỏ chạy” nhưng Đình Tùng thì nghĩ khác.Năm đó, hợp đồng của anh cũng đáo hạn nhưng khi lãnh đạo tỉnh Thanh Hoá gặp mặt, ngỏ lời và cầu thủ sinh năm 1988 này ngay lập tức gật đầu mà không cần đàm phán. Hoàn toàn có thể yêu sách, ra điều kiện để có quyền lợi cao nhất nhưng Tùng không cần. Chỉ cần nói một câu, anh đồng ý mà không quan tâm đến con số nhận được. Đó là câu chuyện mà Tùng từ chối đề cập và muốn kể ra, bởi không muốn kể công và thành ý với đội bóng quê hương có thể bị hiểu sang hướng khác.Cầu thủ sinh quê Nông Cống nói rằng đó là tính cách thừa hưởng từ bố. Gia đình Tùng có một lò bánh mì nhỏ từ ngày xưa, kể cả khi con trai đã thành danh thì bố mẹ anh vẫn lao động bình thường, không để phải phụ thuộc vào con cái.
“Tôi rất may mắn khi được làm việc với một đội bóng như vậy, đá hết mình vì quê hương và có những cầu thủ lão tướng như Đình Tùng rất có trách nhiệm, uy tín trước tập thể. Tập luyện nỗ lực và chuyên môn đã được khẳng định rồi, đó là cái tôi ghi nhận ở Đình Tùng, Văn Thắng hay Samson”. Huấn luyện viên Nguyễn Thành Công đã nói thế về cậu học trò dù không đeo băng đội trưởng nhưng chính là đầu lĩnh của đội, có công lớn trong chuỗi trận thành công giúp Thanh Hóa vượt qua khủng hoảng.
Mỗi đội bóng muốn thu hút khán giả cần tạo ra bản sắc riêng. Bản sắc ấy chính là tinh thần riêng, chất riêng của địa phương hoặc của đội bóng ấy. Nhưng điều đó vẫn phải cấu thành nên từ những cầu thủ tài năng, để lại dấu ấn đậm nét về chuyên môn nhưng vẫn phải là biểu tượng về tinh thần, sự tận hiến cho đội bóng. Thanh Hoá đang có một hình tượng như vậy, với Hoàng Đình Tùng.
Hoàng Đình Tùng được đôn lên đội 1 Thanh Hóa năm 2005 khi vừa tròn 17 tuổi. Ngoài 3 mùa giải thi đấu cho Hải Phòng (2012 - 2014), tiền đạo sinh năm 1988 này chỉ gắn bó với đội bóng xứ Thanh. Từng khoác áo U.23 Việt Nam tại SEA Games 25 và 26, Đình Tùng cũng góp mặt tại Đội tuyển Việt Nam vào các năm 2011 và 2014. Anh từng được bầu chọn giải thưởng Chiếc giày Bạc Việt Nam năm 2009.