Mỗi khi Công Phượng bước lên chấm phạt đền, rất nhiều người nhớ đến những cú đá kiểu panenka đã gắn với anh. Đấy là những cú bấm bóng mà nếu thành bàn sẽ rất đẹp mắt nhưng nếu thất bại sẽ trở thành trò hề. Và những cầu thủ thực hiện những cú đá như vậy phải cực kỳ bản lĩnh.
Lần đầu tiên Công Phượng trình làng pha đá phạt đền kiểu panenka cách đây 4 năm tại giải U19 Đông Nam Á trước U19 Nhật Bản. Và sau này, Công Phượng đã thực hiện nhiều cú đá panenka ở cả màu áo đội tuyển lẫn màu áo CLB HAGL. Theo một góc thống kê thì trong số 5 quả đá phạt đền kiểu panenka gần nhất, Công Phượng thành công đến 60%. Tuy nhiên, với những quả đá hỏng, Phượng cũng đã hứng không ít gạch đá.
Còn nhớ, ở bán kết giải U21 Quốc tế 2016, U21 HAGL đã để thua U21 Yokohama sau loạt sút luân lưu, chính Công Phượng là "tội đồ" với pha đá hỏng 11m kiểu panenka. Sau đó, Phượng là tâm điểm của sự chỉ trích và cũng vì thế mà sau này gần như anh không thực hiện lại những quả đá tương tự như vậy.
Còn với trận đấu gặp U23 Pakistan tại ASIAD 18, Công Phượng được thực hiện đến cả 2 pha đá phạt đền và đều không thành công. Đấy là thế trận mà U23 Việt Nam thi đấu trên cơ đối thủ và trong thế dẫn bàn, chơi thoải mái không hề có áp lực tâm lý nhưng Công Phượng vẫn 2 lần không thành công.
Đến đây, nhiều người đưa ra một giả thuyết, nếu Phượng đủ bản lĩnh để thực hiện kiểu đá panenka thì có thể anh đã thành công để có ít nhất 1 bàn thắng. Bởi dù sao Phượng là một cầu thủ hiếm hoi dám đá panenka và đá thành công.
Nhìn hình ảnh Công Phượng thực hiện những quả phạt đền quá lành khiến cho nhiều người thấy tiếc, khi độ quái của tiền đạo xứ Nghệ dường như đang mất đi.
Phượng vẫn được các chuyên gia khuyên thi đấu đơn giản, để hiệu quả nhưng với việc hy sinh bản năng vốn có thì dường như Phượng đã không còn là chính mình. Điều làm nên cái tên Công Phượng chính là độ quái và khả năng tạo ra đột biến trong sự rườm rà đôi khi nên khuyến khích.
Thế nên nếu trận sau được giao đá 11, Công Phượng hãy mạnh dạn đá kiểu panenka, một kiểu đá sở trường.