Sự nóng giận mà các cầu thủ thể hiện trên sân cỏ trước mỗi quyết định của trọng tài (dù gây tranh cãi hay không) đều là dễ hiểu, nhưng thể hiện bằng hành động thế nào đều có quy định cụ thể.
Không cần biết có sự hối lỗi hay không, thủ môn Thanh Thắng đã vi phạm một cách nghiêm trọng sau hành động với trọng tài biên Nguyễn Lê Nguyên Thành. Và nếu theo quy định thì với án phạt 3 trận treo giò và 15 triệu đồng, người gác đền của Câu lạc bộ Thành phố Hồ Chí Minh có thể cảm thấy rất may mắn.
Thế giới bóng đá chứng kiến nhiều án phạt rất nặng đối với các cầu thủ, kể cả Cristiano Ronaldo, khi có hành vi với trọng tài.
Kể từ khi bóng đá đến với người hâm mộ một cách rộng rãi hơn qua truyền hình, vụ việc nổi tiếng nhất mà rất nhiều người nhớ là Paolo di Canio đẩy ngã trọng tài Paul Alcock ở trận đấu giữa Sheffield Wenedsday với Arsenal vào tháng 9.1998. Sau khi nhận thẻ đỏ, cựu cầu thủ người Italia đã đẩy vào ngực vào vị trọng tài mới qua đời hồi tháng 1.2018 này, khiến ông ngã xuống sân. Di Canio sau đó nhận án treo giò 11 trận.
Đó không phải là lần đầu tiên trọng tài này chịu cảnh như vậy, khi ông từng bị Frank Sinclair của West Brom đánh vào đầu, để sau đó phải nhận án 9 trận.
Cũng trong những năm 1990 đó, các cầu thủ như Emmanuel Petit, David Batty, Gary Poole đều nhận án từ 3 đến 6 trận khi họ quên mất nguyên tắc “không bao giờ chạm vào người trọng tài trước, trong và sau trận đấu”. Tất nhiên là không tính việc “chạm” khi thực hiện việc chào hỏi, bắt tay trước và sau trận.
Trọng tài đứng trên sân cũng cần được bảo vệ như bất kỳ ai, do đó không có ngoại lệ với các ngôi sao, kể cả đó là Cristiano Ronaldo. Năm 2017, khi còn khoác áo Real Madrid, Ronaldo bị trọng tài Ricardo De Burgos Bengoetxea đuổi khỏi sân ở trận lượt đi tranh Siêu cúp Tây Ban Nha với Barcelona. 1 thẻ vàng vì hành vi cởi áo ăn mừng, 1 thẻ vàng vì ngã vờ.
Cộng lại thành thẻ đỏ, CR7 khá sốc và phản ứng bằng cách đẩy vào lưng trọng tài. Kết quả, anh nhận án treo giò 5 trận – 1 vì thẻ đỏ, 4 trận do hành vi đẩy trọng tài, cùng 3.000 Euro tiền phạt.
Tháng 10.2019, Franck Ribery nhận án treo giò 3 trận và 20.000 Euro tiền phạt từ Ủy ban kỷ luật của Ban tổ chức Serie A vì hành động đẩy trợ lý trọng tài sau trận Fiorentina thua Lazio 1-2. Nhưng ít nhất thì sau đó, trên trang mạng xã hội, ngôi sao người Pháp còn lên tiếng xin lỗi đồng đội, huấn luyện viên, cổ động viên và cả vị trợ lý trọng tài mà anh đã đẩy.
Gần đây nhất, tháng 3.2020, cầu thủ Gelson Martin của AS Monaco bị treo giò 6 tháng vì hành vi đẩy trọng tài đến 2 lần sau khi phải nhận thẻ đỏ ở trận đấu với Nimes trước đó hơn 1 tháng (ngày 1.2).
Hay như ở Mexico, năm 2017 cũng vào tháng 3, chỉ trong vòng 1 tuần, Liên đoàn bóng đá nước này cấm thi đấu 1 năm với hậu vệ của Club America, Pablo Aguilar và tiền đạo của Toluca, Enrique Triverio. Aguilar húc đầu (mới chỉ chạm nhẹ) vào mặt và lăng mạ trọng tài khi kết thúc trận thua Tijuana 0-1, trong khi Triverio đẩy tay vào ngực trọng tài, lăng mạ ông ở trận thua Morelia.
Không chỉ các cầu thủ, cả huấn luyện viên huyền thoại Arsene Wenger từng bị cấm chỉ đạo 4 trận do đẩy trọng tài thứ tư ở trận đấu của Arsenal với Burnley hồi tháng 1.2017. Ông cũng bị phạt gần 30.000 Euro.
8 năm trước, Giám đốc thể thao của Paris Saint Germain là Leonardo cũng chịu án phạt 9 tháng vì lỗi đẩy trọng tài khi đi vào đường hầm ở trận đội nhà bị Valenciennes cầm hòa 1-1.
Trở lại với bóng đá Việt Nam, năm 1996, hậu vệ Chu Văn Mùi từng bị VFF đã bị cấm thi đấu vĩnh viễn vì đuổi đánh trọng tài Nguyễn Tuấn Hùng sau trận chung kết Cúp Quốc gia mà đội Công an thành phố Hồ Chí Minh thua Đồng Tháp 1-3. Dù sau đó được xóa án sau 11 năm thì sự nghiệp của cựu hậu vệ này đã kết thúc chỉ vì hành động thiếu kiểm soát.
Năm 2016, Liên đoàn bóng đá Anh (FA) có áp dụng quy định mới để thay đổi hành vi của cầu thủ và các huấn luyện viên với trọng tài. Theo đó, các hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng, phản ứng gay gắt, đối mặt trực tiếp trọng tài, hướng về phía một trọng tài để tranh luận sẽ nhận thẻ vàng; những cầu thủ sử dụng ngôn ngữ và/hoặc cử chỉ xúc phạm, lăng mạ với trọng tài sẽ nhận thẻ đỏ.
Ngoài ra, những hành vi chạm vào cơ thể trọng tài, tùy theo mức độ, đều sẽ bị xử lý và thậm chí sẽ bị FA phạt nguội.