Lâu nay, SEA Games vẫn được ví như "ao làng", nơi để các quốc gia chủ nhà đã đưa các môn thể thao thế mạnh để "vơ vét" huy chương. Đây là bất cập khiến giải đấu có nhiều giai đoạn bị mất giá. Tuy nhiên, tuyên bố chung của Bộ trưởng thể thao ASEAN đã mang đến hy vọng nâng tầm SEA Games với chủ trương ưu tiên nhiều hơn các môn ASIAD và Olympic.
Thực tế, Việt Nam cũng đang sẵn sàng cởi bỏ mác "ao làng" ở SEA Games 31. Dựa vào thành tích tại 2 kỳ SEA Games 29 và 30 với số lượng huy chương giành được của các nhóm môn Olympic tăng qua từng kỳ đại hội, có thể thấy thể thao Việt Nam đang đi đúng hướng. Ví như tại SEA Game 30, nhóm môn Olympic góp 71 huy chương trong tổng số 98 huy chương toàn đoàn. Đó chính là cơ sở để Việt Nam tự tin đăng cai kỳ SEA Games đầy đủ nội dung thi đấu, lần đầu tiên trong khu vực.
Trao đổi với Lao Động, ông Trần Đức Phấn - Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục Thể dục Thể thao cho biết: "SEA Games 31 sẽ tổ chức 40 môn, và đủ hết các nội dung thi đấu, đặc biệt không bỏ các nội dung liên quan đến các môn thể thao Olympic. Đây là lần đầu tiên ở Đông Nam Á tổ chức theo hình thức này. Chúng ta không lựa chọn những môn thế mạnh của mình, mà gạt thế mạnh nước khác ra.
Điều này sẽ góp phần định hướng lại xem khả năng của Việt Nam hướng đến ASIAD và Olympic như thế nào. Sẽ có những nội dung có tiềm năng hướng đến những đấu trường cao hơn được đánh giá trong SEA Games lần này. Những nội dung của các môn thể thao Olympic sẽ được nhìn nhận lại, khả năng đến đâu. Và cũng những nội dung không thể tiến đến đấu trường cao hơn mà chỉ ở tầm SEA Games, chúng ta phải xem xét. Bởi điều này sẽ liên quan đến sự đầu tư".
SEA Games 31 đề cao tính công bằng, thể thao trong sáng khi không bỏ sót nội dung thi đấu. Ông Phấn khẳng định, Việt Nam tổ chức tất cả các nội dung để các quốc gia cùng chơi, không vì là nước chủ nhà mà cố bỏ đi nội dung thế mạnh của các nước khác. Thậm chí, Việt Nam chấp nhận mạo hiểm thành tích vì sự công bằng chung.
"Việc tổ chức như vậy sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thành tích của đoàn thể thao Việt Nam, nhưng chúng ta không sợ điều đó vì cần phải đánh giá một cách thực chất. Nghị quyết Trung ương cũng yêu cầu là phải thực chất. Nếu chỉ chọn môn sở trường rồi đạt được thành tích mong muốn thì cuối cùng cũng không biết khả năng mình đến đâu.
Song, nếu không thể nằm trong Top 3 huy chương, đó chắc chắn sẽ là áp lực. Bởi, bao giờ tổ chức trên sân nhà thì nước chủ nhà phải có thành tích. Nhưng chúng ta dám làm thì không sợ áp lực ấy nữa, vì nếu bây giờ không làm thì không biết đến bao giờ mình mới làm. SEA Games thì 20 năm chúng ta mới nắm quyền tổ chức 1 lần, sẽ không biết phải chờ đến bao giờ mới làm việc này. Chắc chắn sẽ áp lực nhưng khi làm không vì lợi ích của ai cả thì không sợ", ông Phấn nói thêm.
Thông thường, tranh luận nhiều nhất tại SEA Games là môn và nội dung thi đấu. Bản thân Việt Nam cũng sẽ đấu tranh, ý kiến nếu môn và nội dung thế mạnh bị bỏ tại các kỳ đại hội. Tuy nhiên, kỳ SEA Games 31 hứa hẹn sẽ đánh giá được tương đối sòng phẳng năng lực giữa các quốc gia trong khu vực. Theo ông Phấn, đó là cái được, cũng là lý lẽ khiến các nước bạn không thể ý kiến về các tổ chức của chúng ta.