4 HCV, thành công cũng chỉ là trung bình yếu
Đoàn TTVN đã có một kỳ ASIAD khá thành công, nếu căn cứ vào thực tế và những mục tiêu mà chính ngành thể thao đặt ra.
Trước tiên cần thừa nhận, những thành quả hay điểm tích cực có được của TTVN đến từ sự chuyển hướng, với một nhận thức rõ ràng, triển khai tích cực từ nhiều năm nay: Phân cấp và tập trung cao cho các môn Olympic có khả năng, điều kiện vươn cao. Từ vài năm nay, khoảng vài chục tuyển thủ xuất sắc ở các môn thế mạnh đã được đưa vào diện chăm sóc đặc biệt theo chế độ đầu tư trọng điểm, với mức tiền công, tiền ăn lên tới 800.000 đồng/người/ngày. Một số môn, rõ nhất là điền kinh, rowing, và phần nào đó bơi với trường hợp của tài năng 18 tuổi Huy Hoàng, chứng tỏ cách làm phù hợp với đặc thù, điều kiện còn nhiều hạn chế của Việt Nam.
Dù số HCV tăng so với 2 kỳ đại hội trước song kết quả này cũng chỉ giúp Việt Nam tăng được vài bậc trên BXH, đứng thứ 17. TTVN vẫn còn nằm ở nhóm trung bình khá, kém xa nhóm dẫn đầu và thậm chí còn đang đứng trước nguy cơ ngày càng tụt hậu. Nhìn nhận một cách sòng phẳng, nếu không có sự xuất hiện lần đầu của môn pencak silat, Việt Nam chỉ có 2 HCV. Chưa kể tấm HCV rowing, ngoài nỗ lực phi thường của các tuyển thủ thì có dấu ấn may mắn, khi vắng mặt đối thủ vượt trội Trung Quốc, vốn luôn là rào cản, vấn đề nan giản nhất, thách thức nhất chính là việc đoạt HCV.
Việt Nam vẫn chưa hội đủ các yếu tố để tạo nên những ứng viên giành HCV, ở một vài môn, nội dung mũi nhọn tầm cỡ hàng đầu châu lục hay thế giới để có thể tranh chấp sòng phẳng trước mọi đối thủ và tình thế. Lời nhận xét mà cũng là cảnh báo của chuyên gia Nguyễn Hồng Minh ngay từ trước Đại hội, “TTVN có thể đoạt 4-5, 6 HCV song cũng chỉ có 1, thậm chí hoàn toàn có thể trắng tay”, cho thấy rõ thực trạng ấy.
Thiếu nguồn lực, yếu cả người làm lẫn cách làm
Xét trên nguồn đầu tư, cụ thể nhất là kinh phí, từ nhà nước và xã hội hóa, mới thấy TTVN đang thiếu nguồn lực cho phát triển như thế nào.
Nhiều năm trở lại đây, ngành thể thao chỉ nhận được phân bổ 750-800 tỉ đồng kinh phí sự nghiệp mỗi năm. Muốn biết nó khiêm tốn như thế này, hãy so với khoản tương ứng của Thái Lan lên tới 4 tỉ bath (khoảng gần 2.500 tỉ đồng). Và nếu nhìn ngay vào sự chênh lệch “khủng” đó trong cả một quá trình dài mới thấy, mục tiêu bám đuổi nền thể thao số 1 trong khu vực trong tương lai gần là rất khó, chứ chưa nói đến cái mốc năm 2010 hay năm 2015 như lãnh đạo ngành thể thao từng đặt ra cách đây 10 năm.
Nguồn lực hạn chế, dù năm nào cũng ưu tiên tối đa cho thể thao thành tích cao với tỉ lệ chiếm tới 70% kinh phí nhưng song rõ ràng tài chính vẫn rất hạn hẹp, chỉ đáp ứng 60% nhu cầu thực tế của việc đào tạo, tập huấn thi đấu thuộc diện trung bình của khu vực Đông Nam Á. Càng đáng nói hơn vì sau SEA Games 2003, TTVN cũng không còn có một chương trình mang tính mục tiêu quốc gia với nguồn kinh phí riêng 150 tỉ đồng/năm.
Một vấn đề đáng nói, ngành thể thao còn vấp phải những thách thức lớn, kéo dài liên quan đến cơ sở vật chất, ngay cả với các trung tâm hàng đầu cả nước. Điển hình như trường bắn, phòng tập thể dục dụng cụ tại Trung tâm HLTTQG Hà Nội, phòng tập cử tạ tại TPHCM… Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, trong việc phát hiện, đào tạo, chăm sóc cho VĐV, rõ nhất về y học, dinh dưỡng gần như chưa có, chỉ mang tính ứng phó.
Bên cạnh sự bó buộc khách quan, phải thừa nhận chính ngành thể thao cũng đang yếu cả người làm lẫn cách làm. Việt Nam chưa có chiến lược đầu tư thực sự cho ASIAD, thay vào đó tư tưởng và cách làm vẫn tập trung ở sân chơi SEA Games. Bởi thế, chúng ta chưa hội đủ các điều kiện, yếu tố cần thiết để tạo nên một hệ thống đào tạo lực lượng, đáp ứng về số môn, nội dung, những VĐV đủ trình độ để tranh chấp thành tích cao ở tầm châu lục.
Quá trình chuẩn bị cho ASIAD vẫn theo kiểu cách SEA Games. Nhìn nhận một cách thẳng thắn, TTVN chỉ có khoảng 5-6 tháng tập trung cao độ cho ASIAD, một khoảng thời gian vốn chỉ phù hợp với “hội làng” SEA Games. Cách làm thế, quá khó có thể phát huy khả năng, đảm bảo tích lũy và chuẩn bị cho đích ngắm HCV ASIAD vốn vô cùng khó đối với TTVN. Minh chứng ai cũng thấy, sau SEA Games 2017, cả nền thể thao rơi vào một tình trạng nghỉ xả hơi và hoạt động cầm chừng phải đến tháng 2, tháng 3 thì các đội tuyển, tuyển thủ thuộc diện gánh vác trọng trách tại ASIAD, kể cả những niềm hy vọng Vàng, mới bắt đầu bước vào chiến dịch.
Từ nguồn lực cho tới chiến lược, từ xã hội hóa đến đầu tư trọng điểm, từ thành tích trước mắt tới chiến lược dài hơi, từ phát huy nội lực đến sử dụng, phát triển tài năng… Nhìn vào đâu cũng thấy ngổn ngang, cũng thấy TTVN phải thay đổi, quyết liệt và mạnh mẽ. Đó mới là điều quan trọng, cần thiết nhất hậu ASIAD 18, nếu nền thể thao đối diện với chính mình.
“Qua kỳ đại hội thể thao trên đất Indonesia, chúng tôi cũng đã hiểu rõ mình đang ở đâu và cần phải làm gì. TTVN sẽ phải phấn đấu nhiều hơn nữa, phải tiếp tục đổi mới quyết liệt hơn nữa mới có thể nâng cao vị thế, thành tích, tránh nguy cơ tụt hậu ở đấu trường đỉnh cao châu lục. Chúng ta phải đầy nỗ lực, rất khó khăn mới giành được 4 HCV mà cũng chỉ đủ để đứng thứ 17 đủ biết mặt bằng trình độ của các nước, nhất là nhóm dẫn đầu và nhóm thứ 2 đang ở cao và xa như thế nào.
Ngay sau ASIAD 18, ngành thể thao sẽ xác lập ngay một kế hoạch tổng thể, dài hạn, với các giải pháp đảm bảo để chuẩn bị cho ASIAD 2022, liên thông với Olympic 2020. Chắc chắn, chuyện lựa chọn môn, nội dung, VĐV trọng điểm và cách đầu tư trọng điểm sẽ phải thay đổi một cách căn bản…”. Ông Trần Đức Phấn - Tổng Cục phó Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTVN tại ASIAD 2018 - phát biểu.