Từ người Đức…
Ngày 27.6.2010, trên sân vận động mang tên Tự do (Free State), ở Bloemfontein, Nam Phi, một pha bóng xảy ra đã làm thay đổi hoàn toàn hướng đi của bóng đá thế giới. Trận đấu giữa Đội tuyển Đức và Đội tuyển Anh ở vòng 1/8 World Cup 2010, phút 38, khi tỉ số đang là 2-1 cho “Cỗ xe tăng”, Frank Lampard có pha dứt điểm sát vòng cấm.
Bóng vượt qua Manuel Neuer, đập xà ngang rồi đập xuống phần cỏ phía trong khung thành, dội trở lại khung thành trước khi thủ thành Đội tuyển Đức ôm gọn. Mọi hình ảnh ghi nhận sau đó đều xác định rằng, bóng đã đi qua vạch vôi, không chỉ vài centimét mà phải ít nhất 2 thân bóng.
Tuy nhiên, hình ảnh truyền hình thời điểm đó không có giá trị quyết định. Trọng tài Jorge Larrionda người Uruguay đã không công nhận bàn thắng, bất chấp sự phản ứng dữ dội từ các cầu thủ và Ban huấn luyện Đội tuyển Anh. Kể từ đó, bóng đá thế giới có thêm một khía cạnh mới hơn về “những bàn thắng ma”…
Nhưng quan trọng hơn cả, nó là khởi nguồn cho ý tưởng đưa công nghệ vào bóng đá. 8 năm sau, công nghệ video hỗ trợ trọng tài (VAR) chính thức xuất hiện tại World Cup và nhiều giải đấu khác.
… đến người Đức
12 năm sau câu chuyện ở Nam Phi, tại Qatar, người Đức lại liên quan đến một vụ tranh cãi, dù lần này, họ chỉ ở vai trò gián tiếp và sắm vai “nạn nhân”. Bàn thắng mà Đội tuyển Nhật Bản ghi vào lưới Tây Ban Nha nâng tỉ số lên 2-1 chính là khoảnh khắc “tiễn người Đức về nhà”.
Bóng đã lăn ra khỏi sân hay chưa, tranh cãi sẽ còn kéo dài. Điều trớ trêu là, giữa muôn trùng các loại công nghệ, FIFA hay ban tổ chức lại không lường được tình huống bóng lăn qua vạch vôi nhưng không phải trong khung thành mà là ở bên ngoài.
Ở bên trong khung thành có công nghệ Goal-line, bắt việt vị thì có công nghệ bán tự động. Nhưng chỉ cách khung thành khoảng 3m thôi, sự phân định lại bằng… cảm quan.
Và ở đó, Đội tuyển Đức phải “trả giá”.
Trách ai bây giờ?
Từ rất nhiều góc độ, người Đức có quyền phân tích thật kỹ pha bóng để khẳng định, bóng đã ra ngoài nên bàn thắng không hợp lệ. Rất nhiều hình ảnh được đưa ra, nhưng rõ ràng, hình ảnh là “chết”, người ta có thể lấy khung hình ở phần trăm giây này, hoặc có thể lấy phần trăm giây khác để xác định và tất nhiên, đều đúng trong bối cảnh diễn biến quá nhanh như vậy.
Người ta đã nghĩ về cái gọi là “thuyết âm mưu” nhằm loại bỏ đội tuyển Đức khỏi cuộc chơi. Vai trò của FIFA, Ban tổ chức thế nào khi hình ảnh chiếu chậm ở một góc độ có lợi nhất cho Tuyển Đức lại chỉ được phát đúng 1 lần? Vai trò của các cầu thủ Tây Ban Nha thế nào, khi để ý phản ứng của họ không thực sự quyết liệt? Dani Carvajal đứng ngay gần đó và không thể không thấy những gì xảy ra.
Chỉ cần nói, Đội tuyển Đức đến World Cup và là một trong số các đội thể hiện sự phản đối mạnh mẽ nhất là đủ hiểu chuyện gì phía sau. Đan Mạch cũng phản ứng rất gắt và họ cũng đã về nước, dù không theo cách gây tranh cãi như Tuyển Đức
Thế nhưng, dù sao thì đó vẫn chỉ là “thuyết âm mưu”. Nói cho cùng, thất bại của Tuyển Đức (hay của cả Đan Mạch, Bỉ) xuất phát từ chính bản thân họ. Họ không đến với bóng đá bằng tâm hồn của bóng đá, để cho những chuyện bên lề tác động quá nhiều.
Họ đã không xác định cho mình một thái độ đúng đắn - như hành động đùa cợt của Antonio Rudiger ở trận gặp Nhật Bản. Họ điều chỉnh và thay đổi quá muộn. Nếu chơi mọi trận đấu như khi gặp Tây Ban Nha (hòa 1-1), họ thậm chí còn là ứng viên sáng giá cho chức vô địch chứ không phải xách vali về nước sớm.
Trong trận đấu với Costa Rica mà Tuyển Đức thắng 4-2, họ có 3 lần dứt điểm trúng cột dọc cùng không ít cơ hội khác. Nếu các cơ hội đó được tận dụng thì điều kiện “phải ghi 10 bàn” (khi Costa Rica có 2 bàn) vẫn có thể thực hiện được. Nhưng, vấn đề là, hình ảnh đó lại biểu trưng cho sự “bất lực” chứ không phải là “không may”.
Có những thứ không nằm trong khả năng kiểm soát, mà một trong số đó lại do chính mình thì không thể trách ai được.
LỊCH THI ĐẤU
(VÒNG 1/8)
22h ngày 3.12
Hà Lan - Mỹ
(VTV2, VTV Cần Thơ)
2h ngày 4.12
Argentina - Australia
(VTV3, VTV Cần Thơ)