Giá gạo xuất khẩu tăng trở lại sau nhiều phiên giảm mạnh
Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biến động trái chiều giữa mặt hàng lúa và gạo. Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang sáng 13.9, lúa OM 18 có giá 8.000 – 8.100 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Với các chủng loại lúa còn lại, giá duy trì ổn định.
Hiện lúa Đài thơm 8 ổn định ở mức 8.000 – 8.200 đồng/kg; OM 5451 có mức giá 7.700 – 8.000 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 8.000 – 8.400 đồng/kg; lúa IR 50404 ổn định ở mức 7.800 – 8.000 đồng/kg; lúa Nhật 7.800 – 8.000 đồng/kg. Với lúa nếp, nếp An Giang khô ở mức 9.200 – 9.400 đồng/kg; nếp Long An khô dao động 9.300 – 9.450 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo hôm nay tiếp tục kéo dài xu hướng giảm. Theo đó, gạo nguyên liệu IR 504 dao động quanh mốc 11.700 – 11.800 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 ở mức 13.700 – 13.800 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg.
Với phụ phẩm, giá phụ phẩm cũng điều chỉnh giảm 100 đồng/kg.
Trên thị trường gạo nội địa, giá gạo các loại có xu hướng giảm. Tại Đồng Tháp, An Giang, giá gạo các loại giảm 100 – 200 đồng/kg. Tại các chợ lẻ khu vực tỉnh An Giang, giá gạo ổn định, không biến động.
Trong đó, nếp ruột giá 16.000 – 20.000 đồng/kg; gạo thường ở mức 12.500 – 14.000 đồng/kg, gạo Nàng Nhen giá 23.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài dao động từ 18.000 – 20.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine ở mức 16.000 – 18.500 đồng/kg; Hương Lài 19.500 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 15.500 đồng/kg...
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong phiên giao dịch ngày 12.9, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam điều chỉnh tăng 5 USD/tấn. Theo đó, giá gạo 5% tấm xuất khẩu ở mức 628 USD/tấn; gạo 25% tấm ở mức 613 USD/tấn. Số liệu thống kê cho thấy, 8 tháng qua, các nước ở châu Á, Trung Đông, Tây Phi đổ xô mua gần 6 triệu tấn gạo Việt dù giá cao.
VFA cho biết, nhiều quốc gia trên thế giới tăng nhập gạo Việt là do nguồn cung từ thị trường thế giới thiếu hụt. Đặc biệt, trong 3 tháng gần đây, lượng gạo xuất khẩu tăng cao hơn so với đầu năm sau khi Ấn Độ ra lệnh cấm xuất khẩu gạo từ hôm 20.7. Một tuần sau lệnh cấm của Ấn Độ, UAE và Nga đều thông báo ngừng bán gạo ra nước ngoài. Do đó, nhiều quốc gia đổ sang Việt Nam đặt hàng, đẩy giá gạo xuất khẩu tăng cao.
Xuất khẩu gạo tăng trưởng, dự báo vẫn sẽ được thúc đẩy
8 tháng qua, các nước ở châu Á, Trung Đông, Tây Phi đổ xô mua gần 6 triệu tấn gạo Việt dù giá cao. Số liệu sơ bộ mới nhất từ Hải quan cho thấy, tháng 8, Việt Nam đã xuất bán 921.000 tấn gạo, kim ngạch đạt 546 triệu USD, tăng 40% về lượng và 51% về giá trị so với tháng 7.
Lũy kế 8 tháng, nước ta xuất khẩu gần 6 triệu tấn gạo, kim ngạch đạt gần 3,2 tỉ USD, tăng 21% về lượng và 35% về giá.
Philippines vẫn là khách hàng lớn nhất, đạt gần 1,23 tỉ USD, tăng 16%, chiếm 38,9% tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này. Tiếp đến là Trung Quốc đạt 452 triệu USD, tăng 67,9% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài 2 quốc gia trên, Indonesia từ vị trí thứ 8 vươn lên top 3 quốc gia mua gạo Việt với mức tăng trưởng kỷ lục. 8 tháng qua, quốc gia này nhập 718.266 tấn gạo, đạt 361,2 triệu USD, tăng 1.505%.
Dự báo của Bộ Công Thương cho thấy, 4 tháng cuối năm nay, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn sẽ được thúc đẩy bởi số lượng đơn hàng tốt từ nhiều thị trường mới.