Nói với báo chí, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, với việc bỏ phiếu tín nhiệm chúng tôi phải rất trách nhiệm với công việc của mình, với Quốc hội, nhân dân và cử tri tín nhiệm bầu.
Trong suốt quá trình vừa qua chúng tôi đã cố gắng hoàn thành trọng trách mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao cho.
“Kết quả thì tôi rất vui, so với khi Quốc hội bầu, kết quả đánh giá của Quốc hội với bản thân tôi đã có sự ghi nhận. Tuy niên, vẫn còn những phiếu tín nhiệm chưa cao, tôi cũng phải suy nghĩ.
Mình vẫn chưa làm tốt công việc, phải cố gắng làm tốt hơn nữa, hoàn thành tốt nhiệm vụ mà nhân dân giao cho. Còn việc cụ thể nào thì phải rà soát, xem xét lại, để suy nghĩ, để có giải pháp tốt nhất. Việc gì tốt rồi thì sẽ làm tốt hơn nữa”, ông Thanh nói.
Theo ông Thanh, công tác dân nguyện, việc giám sát của Quốc hội với các cơ quan lập pháp đều luôn luôn có sự va chạm. Quan trọng là giám sát làm sao cho các lĩnh vực của mình càng tốt hơn.
Chia sẻ với báo chí, bà Nguyễn Thanh Hải, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội đánh giá, đây là kết quả để giúp tôi căn cứ vào đó, để tiếp tục cố gắng, nỗ lực trong thời gian tới.
“Kết quả tốt trong phần tín nhiệm cao, tín nhiệm là nguồn động lực, động viên, giúp cho 48 thành viên được lấy phiếu có thêm động lực, đặc biệt là có đánh giá một cách đầy đủ về mình, phát huy mặt mạnh, khắc phục mặt hạn chế, đạt được sự hài lòng của người dân, của các đại biểu Quốc hội ngày càng cao trong thời gian tới”, bà Hải nói.
Sau khi có kết quả lấy phiếu tín nhiệm, ĐBQH Lưu Bình Nhưỡng nói, đây là kết quả đem đến nhiều cảm xúc. Ông Nhưỡng cho rằng, bản thân các đại biểu Quốc hội đã bỏ phiếu với trách nhiệm rất cao.
“Trước khi lấy phiếu tín nhiệm, dư luận cũng có nhiều đánh giá, nêu về việc không biết các đại biểu có công tâm hay không. Nhưng nhìn chung, tôi thấy kết quả này phản ánh phần nào rất đúng tình hình hiện nay”, ông Nhưỡng nói.
ĐBQH Bùi Sỹ Lợi cho rằng, trong cơ chế một nhiệm kỳ chỉ bỏ phiếu một lần, nếu có quy chế 2 lần, "tư lệnh ngành" có thể ngày hôm nay thấp một chút, nhưng đến cuối nhiệm kỳ có thể đảo ngược tỷ lệ lên.
Theo ông Lợi, không nên đánh giá quá mức việc lấy phiếu tín nhiệm, nhưng cũng không nên xem nhẹ.
“Các bộ trưởng có phiếu thấp hơn với người này người kia có thể thấy buồn. Tôi rất chia sẻ với các vị bộ trưởng. Coi đây là một trọng trách mà Quốc hội giao, bộ trưởng phải cố gắng hơn nữa để khắc phục. Tôi cho rằng đây là một hình thức giám sát rất có tác dụng”, ông Lợi nói.