Quyền của phạm nhân được đảm bảo
Tại phiên thảo luận này, Bộ trưởng Công an đã nhấn mạnh thêm những điều liên quan tới quyền của phạm nhân. Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay, để cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp năm 2013, tôn trọng, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, đảm bảo tính tương thích với các điều ước quốc tế, phù hợp với khả năng quản lý, thi hành của các cơ quan quản lý thi hành án hình sự, điều kiện kinh tế xã hội, khả năng đáp ứng của nhà nước, mà dự thảo luật đã bổ sung Điều 27.
Theo Bộ trưởng Bộ Công an, Điều 27 trong dự thảo luật quy định 10 nhóm quyền của phạm nhân, trong đó có 1 nhóm quyền quy định mang tính nguyên tắc.
“Trong từng điều luật cụ thể của dự thảo luật đã chỉnh lý quy định có liên quan để phù hợp với các quy định tại Điều 27 của dự thảo luật này”, Bộ trưởng Công an nhấn mạnh.
Kiến nghị thông qua luật trong 2 kỳ họp
Về thời gian thông qua dự án luật, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nhấn mạnh, Luật Thi hành án hình sự được sửa đổi một cách cơ bản, toàn diện, nhằm cụ thể hoá các quy định liên quan tới quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013 và khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Luật Thi hành án hình sự năm 2010 và đặc biệt phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với các đạo luật tư pháp đã được ban hành như: Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, Bộ Luật Tố tụng hình sự năm 2013 đã có hiệu lực thi hành từ 1.1.2018.
Theo Bộ trưởng Công an, nếu dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) không được thông qua sớm thì một số quy định trong các luật kể trên không được thực hiện.
Cụ thể, như việc thi hành án hình sự với pháp nhân thương mại, việc tha tù trước thời hạn có điều kiện, việc thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, việc thực hiện án treo, ...
Vì vậy, để thực hiện quyền con người, quyền công dân theo Hiến pháp năm 2013, thể hiện tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, Bộ trưởng Công an kiến nghị sớm thông qua Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) trong 2 kỳ họp theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018.
“Chính vì việc có sửa đổi bổ sung phạm vi của luật mà chúng tôi đề nghị 2 nhiệm kỳ vì luật này rất quan trọng”, Bộ trưởng Công an nói và nhấn mạnh, Bộ Luật Hình sự, Tố tụng Hình sự khi thực hiện thì khâu cuối - thi hành án hình sự là khâu rất quan trọng.
Quan trọng hơn, theo Bộ trưởng Công an, đây là sự tiến bộ, quyền công dân trong Hiến pháp quy định thì quyền của công dân càng được thi hành, càng áp dụng sớm, càng được được thực hiện tốt thì càng đảm bảo đúng quy định.
Bộ trưởng Công an cho rằng, việc thông qua luật này qua 2 kỳ họp khiến cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định sẽ “rất vất vả”.
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Công an cho rằng “những vất vả đó có thể khắc phục được”, và sớm được thi hành.
Nếu dự thảo này được thông qua trong 3 kỳ họp, tức là mất khoảng 2 năm, theo Bộ trưởng Công an, cuối năm 2020 – 2021 mới có hiệu lực, đây là khoảng thời gian rất dài.
Điều 27. Quyền và nghĩa vụ của phạm nhân (Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)
1. Phạm nhân có các quyền sau đây:
a) Được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; được phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ;
b) Được bảo đảm chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gửi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu;
c) Được bảo đảm hoạt động thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ;
d) Được lao động, học tập, học nghề;
đ) Được gặp, liên lạc với thân nhân, tiếp xúc lãnh sự;
e) Được gặp người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự;
g) Được yêu cầu trả tự do khi có quyết định trả tự do của người có thẩm quyền;
h) Được khiếu nại, tố cáo hành vi vi phạm pháp luật;
i) Được hưởng các chế độ, chính sách nếu thuộc diện đối tượng được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hoặc các chế độ chính sách khác theo quy định của pháp luật có liên quan;
k) Được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ...