5 chiêu trò lách luật phổ biến trong hoạt động đấu thầu
Sáng nay (8.11), tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp 4, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Toà án nhân dân tối cao (TANDTC), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC); công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho biết, qua theo dõi các vụ án liên quan đến hoạt động đấu thầu trong thời gian qua thì thấy 5 "chiêu" phổ biến để lách luật trong đấu thầu.
Thứ nhất, tình trạng chia nhỏ gói thầu để áp dụng chỉ định thầu. Để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, nhất là những trường hợp cấp bách hoặc là những khoản chi nhỏ, luật đấu thầu đã quy định các trường hợp chỉ định thầu quy định các hạn mức được áp dụng chỉ định thầu như dưới 100 triệu, dưới 500 triệu và dưới 1 tỉ.
Tuy nhiên, để lách các quy định này, việc chia nhỏ gói thầu để áp dụng hình thức chỉ định thầu diễn ra phức tạp trong thực tế, thể hiện trong nhiều kết luận thanh tra, điều tra.
Hai là, cài cắm điều khoản hướng thầu, để “cài thầu quen, chèn thầu lạ”. Quy định về hồ sơ mời thầu là để chọn nhà thầu tốt nhất đáp ứng quy định của pháp luật.
“Tuy nhiên, nếu có ý đồ thì đây là những chốt chặn loại bỏ những nhà thầu không mong muốn. Thực tế, nhiều chủ đầu tư cài cắm những điều khoản hướng thầu, để hướng tới các nhà thầu thân hữu, và loại bỏ các nhà thầu khác. Từ đó, biến đấu thầu rộng rãi thành đấu thầu hạn chế”, bà Thủy nêu ý kiến.
Đại biểu Thủy cho hay, qua thông tin của đại diện cơ quan tố tụng có thể thấy, ngay từ đầu các đối tượng đã bắt tay ngầm, "đi đêm", chuyển cho nhau những gì cần bán, thông đồng với nhau các tiêu chí kỹ thuật, thậm chí cùng nhau xây dựng hồ sơ mời thầu.
“Theo phản ánh, có những gói thầu đưa ra tiêu chí như phải có bằng khen của Bộ Tài chính về nghĩa vụ nộp thuế, gần như viết sẵn cho một doanh nghiệp”, bà Thủy nói.
Ba là, thiết lập "quân xanh, quân đỏ" để thông thầu. Tình trạng "quân xanh, quân đỏ" thời gian qua đã tạo ra nhiều đấu thầu thiếu cạnh tranh, kiếm lời bất chính. Có những nhà thầu chỉ để trượt, nhằm lót đường cho nhà thầu đã được định sẵn trúng thầu.
Bốn là, móc ngoặc với thẩm định giá nâng khống giá trị gói thầu. Nếu chỉ nhìn vào hồ sơ thì tất cả đều đúng quy trình, nhưng đi sâu vào phá án mới phát hiện được sự móc ngoặc tinh vi của chủ đầu tư - đơn vị tư vấn - đơn vị thẩm định giá - và đơn vị trúng thầu, thổi giá cao gấp nhiều lần so với giá trị thực.
Năm là, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực khác. Tình trạng vi phạm các quy định pháp luật, lách các quy định như nêu trên đều có thể hoặc hướng tới nguy cơ tham nhũng trục lợi.
“Kết quả khảo sát của Liên đoàn thương mại công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2021 cho thấy, có đến 58,9% doanh nghiệp cho biết, việc chi trả chi phí không chính thức khi tham gia đấu thầu là "luật bất thành văn" mà doanh nghiệp phải tự hiểu khi tham gia”, bà Thủy nói và cho rằng, đấu thầu nếu không được quy định và quản lý một cách chặt chẽ sẽ trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng trục lợi.
Cần quan tâm đến phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Quốc hội Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến công tác phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể là tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp.
Đại biểu cho rằng, thực tiễn trong thời gian qua cho thấy, việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó.
Theo đại biểu, việc tăng cường thực thi pháp luật đất đai có hiệu quả sẽ có tác động rất lớn, rất quan trọng. Một khi hiệu quả của việc thực thi pháp luật về đất đai tăng lên thì khả năng điều tra và trừng phạt sẽ tăng lên.
"Nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại" - ông Hoàn nói.