Đà Nẵng: Phát triển du lịch nóng, thành phố lâm cảnh mất nước, tắc đường

Thùy Trang - Mỹ Linh |

Khan hiếm nước sinh hoạt, tắc đường, kẹt xe ở những đoạn đường ra biển, thiếu bãi đậu xe... là thực tế hiện nay tại thành phố “đáng sống nhất Việt Nam”. Đằng sau những tiếng vang về du lịch, điểm đến thì việc phát triển du lịch quá nhanh với hàng nghìn khách sạn mọc như nấm, hạ tầng giao thông không đáp ứng kịp đã dẫn đến những hệ lụy mà người dân TP. Đà Nẵng đang trực tiếp gánh chịu.
Khách sạn mọc tràn lan, dân khốn đốn
Năm 2017 là năm đầu tiên ghi nhận, hàng nghìn hộ dân ngay giữa trung tâm thành phố Đà Nẵng lâm cảnh mất nước sinh hoạt kéo dài. Tại phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà, nơi có nhiều tuyến đường với mật độ khách sạn mini cao, tháng 6 vừa qua, người dân khu vực này từng chịu cảnh gần 10 ngày liền không có nước sinh hoạt.
“Chúng tôi phải xoay sở làm giếng khoan, mua nước đóng thùng để giải quyết các nhu cầu sinh hoạt và “đợi” nước về”, bà Hà, một người dân ở đây cho hay.
Những năm trước, vào mùa nắng nóng nhiều khu vực cũng xảy ra tình trạng nước yếu, nhất là vào các giờ cao điểm. Song năm nay, ở Sơn Trà có nơi hoàn toàn không có nước sạch. Ông Trần Văn Sửu (tổ 8, phường Phước Mỹ, quận Sơn Trà) cho hay, gia đình có làm hầm chứa nước ngầm nhưng có lúc 5 ngày không có giọt nước nào!
Không dừng lại ở những khu vực gần các khách sạn mà đến đầu tháng 7 vừa qua, hàng nghìn hộ dân sống ở các chung cư trên địa bàn quận Sơn Trà đồng loạt “kêu cứu” vì không có nước sinh hoạt. công ty cấp nước thành phố phải điều xe bồn về từng khu vực để cung cấp nước tạm thời cho người dân, nhiều bể chứa nước phải lắp máy bơm đặt vào đường ống để lấy đẩy nước về mạnh hơn.
Anh Hân, một người dân bức xúc, “Chưa bao giờ người dân phải xếp hàng, có nơi còn xô xát lớn tiếng với nhau vì từng thùng nước như năm nay. Vậy nhưng có còn hơn không, 10 ngày nay nhà tôi mới có nước giặt quần áo. Trời nắng nóng mà không có nước, trẻ con và người già rất khổ sở”.
Tại buổi làm việc với cử tri thành phố đầu tháng 6.2017, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh thừa nhận, tình trạng thiếu nước sinh hoạt là bởi các khách sạn quanh khu vực này lấy hết nước đưa lên bể dự trữ khiến người dân không có nước dùng.
Đại diện Công ty TNHH MTV Cấp nước Đà Nẵng (Dawaco) cho biết tình trạng thiếu nước sạch tại khu vực Sơn Trà là do nhu cầu nước của khu vực Sơn Trà ngày càng tăng, trong khi công suất của các nhà máy nước trên địa bàn đã vượt 25% công suất. Trước đây, quy hoạch cấp nước tại khu vực Sơn Trà chỉ đủ để phục vụ nhà dân, nhưng thời gian gần đây số lượng khách sạn tăng lên quá nhiều dẫn đến phá vỡ quy hoạch cấp nước.
Thiếu bãi đỗ xe, ách tắc giao thông đường ven biển
Không dừng lại ở việc thiếu nước sinh hoạt, việc lượng khách đổ về Đà Nẵng trong mùa du lịch mang theo đó là hình ảnh những con đường Võ Nguyên Giáp, Trường Sa tắc nghẽn, nóng nực khiến cả người dân và du khách khốn khổ.
“Xe du lịch từ 16 đến 50 chỗ đỗ hàng dài trước con đường ra biển, lúc thì họ đổ khách, lúc thì đón khách, trong khi đây là đoạn đường nối liền Đà Nẵng với TP. Hội An nên lưu lượng xe rất lớn. Người dân ở đây vừa chịu cảnh mất nước, vừa chịu cảnh tắc đường rất kinh khủng. Mang tiếng sống ở đường ven biển nhưng chúng tôi không hưởng thụ được gì mà phải khốn đốn là đằng khác”, ông Hà Minh, một người dân trên đường Trường Sa bức xúc.
Cứ tầm khoảng 16 giờ chiều hàng ngày, trên các đoạn đường Trường Sa, Võ Nguyên Giáp, hàng trăm phương tiện giao thông phải chen chúc nhau đưa đón khách du lịch. Đặc biệt, đoạn đường Trường Sa, đối diện với bãi biển Mỹ Khê, con đường bị cắt ¼ để làm chỗ để xe, nhiều lúc các phương tiện còn mặc nhiên đậu xe ở những nơi không cắm biển khiến người dân gặp khó khăn khi qua đoạn đường này.
Phát triển du lịch “nóng”, nhiều hệ lụy
Theo Sở Du lịch Đà Nẵng, tính đến tháng 12.2016, thành phố có trên 500 khách sạn, khu nghỉ dưỡng tương đương với tổng số 20.166 phòng. Nhiều tuyến đường gần biển của các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn liên tục mọc lên những khách sạn mới.
Năm 2017, tính riêng trên địa bàn quận Sơn Trà có 172 khách sạn với 6.424 phòng và 93 nhà nghỉ, trong đó phần lớn là khách sạn 3 sao và 3 sao trở xuống. Số lượng buồng phòng, khách sạn ở Sơn Trà nói riêng đã chiếm 1/3 so với số lượng buồng phòng, khách sạn toàn TP. Đà Nẵng.
Bất chấp những cảnh báo về tình trạng “dư thừa” khách sạn trên toàn thành phố mà Sở VHTTDL Đà Nẵng đã khuyến cáo từ trước, những con số về lượng cơ sở lưu trú du lịch tại Đà Nẵng không ngừng tăng, sự phát triển “nóng” du lịch đã kéo theo sự thách thức đối với ngành du lịch trước những hệ lụy không hề nhỏ.
Thách thức ở chỗ, sự xuất hiện ồ ạt của các khách sạn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu. Có những con đường 1km chỉ toàn là khách sạn, mọc chi chít san sát nhau, trong khi đó chỗ để đậu đỗ xe không đáp ứng đủ chỉ tiêu quy định. Được biết, Sở Xây dựng đã có kế hoạch tăng cường yêu cầu về diện tích đậu, đỗ xe khi cấp giấy phép xây dựng các dự án cơ sở lưu trú. Tuy nhiên, ghi nhận ở một số cơ sở lưu trú du lịch trên đường Phan Liêm, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn, phần lớn các cơ sở này chỉ có một không gian đỗ xe rộng khoảng 6 mét vuông, hầu hết là nơi đỗ xe cho nhân viên, vì vậy đối với các xe du lịch cỡ lớn buộc phải đỗ ở ngoài đường lớn, như đường Võ Nguyên Giáp có vị trí sát biển.
Trong kỳ họp thứ 4 của HĐND TP. Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh có phản ánh rằng, tuyến đường Võ Nguyên Giáp này được xây 4 làn, nhưng phần lớn xe du lịch đã đậu hết hai làn, hai làn còn lại để di chuyển, Hơn nữa, đây là tuyến đường huyết mạch nối giữa Đà Nẵng và Hội An nên lưu lượng giao thông di chuyển ở đây rất đông. Trước tình trạng tắc nghẽn giao thông như hiện nay, e rằng thêm vài năm nữa con đường này sẽ chật cứng.
Không những chất lượng về du lịch bị ảnh hưởng mà hệ quả về nước sinh hoạt, đường sá, bãi đậu xe, chất lượng cuộc sống của người dân và cả hình ảnh du lịch Đà Nẵng cũng đang bị sự phát triển ồ ạt này kéo xuống.
Ông Hồ Hương, Tổng giám đốc công ty TNHH MTV cấp nước Đà Nẵng cho biết, theo tính toán hiện nay, tổng lượng tiêu thụ trên toàn thành phố lên đến con số hơn 300.000m3, trong khi khả năng cung cấp của tổng công ty với công suất chỉ đạt 210.000m3, tức là cầu đang cao gấp 1,5 lần so với cung. Về phương án lâu dài Đà Nẵng phải xây dựng các nhà máy nước Hoà Trung, Hoà Liên mới đảm bảo nhu cầu cho tương lai. Tuy nhiên, để đợi những nhà máy này đi vào vận hành phải mất ít nhất 3 năm, vậy trong thời gian đó người dân sẽ tiếp tục chịu cảnh không đủ nước sạch?
Về bãi đậu xe, BQL dự án xây dựng và bảo trì hạ tầng giao thông Đà Nẵng cho biết, trong tháng 7 này thành phố sẽ hoàn thành 3 vịnh đỗ xe, trong đó có 2 điểm trên đường Trần Hưng Đạo và 1 điểm ở đường Phạm Văn Đồng. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, giải toả được một phần chứ chưa phải hoàn toàn.
Người dân vẫn phải chịu cảnh mất nước, tắc đường, kẹt xe, bộ mặt du lịch Đà Nẵng ngày càng xấu đi vào mỗi mùa du lịch.
Thùy Trang - Mỹ Linh
TIN LIÊN QUAN

Kiến nghị tháo bỏ 40 móng biệt thự trái phép, không quy hoạch Sơn Trà thành khu du lịch

THUỲ TRANG |

“Giữ nguyên hiện trạng hiện nay ở Sơn Trà, không xây dựng mới các công trình hạ tầng và du lịch, tháo bỏ ngay 40 móng biệt thự đã xây trái phép. Kiến nghị UBND Đà Nẵng và Chính phủ không quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia để ưu tiên tập trung cho quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học” - đây là một số nội dung quan trọng nằm trong bản kiến nghị của Viện Sinh thái học Miền Nam và Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi đến Thủ tướng cùng các cơ quan ban ngành.

Hãy sống với Sơn Trà

Nguyễn Trung Bảo |

Anna Tiên Sa là một cô bé sắp được 5 tuổi. Lần đầu tiên đến với Sơn Trà, em được nhìn thấy tận mắt chú voọc chà vá chân nâu ở khoảng cách rất gần. Trên đường xuống núi, em đang líu lo hỏi về khu rừng, về các sinh vật thì nhìn thấy hai thanh niên đang vặt quả rừng. Rất tự nhiên, em buộc miệng: "Hái hết trái thì lấy gì cho voọc ăn?".

Bất cập quản lý tiền công đức tại 2 ngôi đền ở Ninh Bình

NGUYỄN TRƯỜNG |

Hiện nay, việc quản lý thu chi tiền công đức, dầu nhang tại đền Dâu và đền Quán Cháo (Ninh Bình) còn thiếu minh bạch.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh được giảm 1 năm tù

Việt Dũng |

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh được ghi nhận có các tình tiết mới nên được giảm án, bị hại duy nhất kháng cáo bị bác đơn.

Tài xế khai chuyện chở thùng tiền từ SCB về Vạn Thịnh Phát

Tâm Tú |

TPHCM - Lái xe của Trương Mỹ Lan khai, nhiều lần đến Ngân hàng SCB vận chuyển những thùng tiền đã được đóng sẵn đưa về Vạn Thịnh Phát hoặc nhà riêng của Lan.

Bỏ giấy chuyển tuyến bệnh hiểm nghèo, giảm tiền túi cho dân

ANH HUY |

Trong dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đưa ra việc bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... để giảm chi tiền túi cho dân.

Lý do khiến giá vàng thế giới liên tục tăng cao

Khương Duy (Theo Kitco) |

Nhiều yếu tố hỗ trợ đang thúc đẩy giá vàng thế giới tăng mạnh và liên tục phá kỷ lục.

Giá vàng nhẫn liên tục phá đỉnh, méo mặt đi "trả nợ" vàng

Phương Anh |

Những phiên giao dịch gần đây, giá vàng nhẫn tròn trơn tăng mạnh. Nhiều người bối rối vì mặt hàng này liên tục phá kỷ lục và rất khó mua.

Kiến nghị tháo bỏ 40 móng biệt thự trái phép, không quy hoạch Sơn Trà thành khu du lịch

THUỲ TRANG |

“Giữ nguyên hiện trạng hiện nay ở Sơn Trà, không xây dựng mới các công trình hạ tầng và du lịch, tháo bỏ ngay 40 móng biệt thự đã xây trái phép. Kiến nghị UBND Đà Nẵng và Chính phủ không quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành khu du lịch quốc gia để ưu tiên tập trung cho quy hoạch bán đảo Sơn Trà thành khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học” - đây là một số nội dung quan trọng nằm trong bản kiến nghị của Viện Sinh thái học Miền Nam và Hiệp hội du lịch Đà Nẵng gửi đến Thủ tướng cùng các cơ quan ban ngành.

Hãy sống với Sơn Trà

Nguyễn Trung Bảo |

Anna Tiên Sa là một cô bé sắp được 5 tuổi. Lần đầu tiên đến với Sơn Trà, em được nhìn thấy tận mắt chú voọc chà vá chân nâu ở khoảng cách rất gần. Trên đường xuống núi, em đang líu lo hỏi về khu rừng, về các sinh vật thì nhìn thấy hai thanh niên đang vặt quả rừng. Rất tự nhiên, em buộc miệng: "Hái hết trái thì lấy gì cho voọc ăn?".