Sáng 28.5, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân sửa đổi (TAND).
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương) góp ý về nội dung Tòa án sơ thẩm chuyên biệt (mục 5, chương IV của dự thảo luật).
Theo đó, điều 62 dự thảo luật quy định về 3 loại Tòa án sơ thẩm chuyên biệt gồm TAND sơ thẩm chuyên biệt hành chính, TAND sơ thẩm chuyên biệt sở hữu trí tuệ, TAND sơ thẩm chuyên biệt phá sản.
Đại biểu thấy rằng, việc thành lập 3 loại Tòa án sơ thẩm chuyên biệt này là cần thiết và xuất phát từ yêu cầu thực tiễn trong công tác xét xử.
Thời gian qua, tỉ lệ giải quyết các vụ án hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ không cao, thậm chí thấp, số lượng các vụ việc bị hủy, sửa cao. Vì vậy, đòi hỏi sự chuyên nghiệp, chuyên sâu trong công tác xét xử để đảm bảo hiệu quả xét xử các loại vụ án này.
Đặc biệt, Tòa án sơ thẩm chuyên biệt hành chính nếu được thành lập tách biệt hẳn với đơn vị hành chính địa phương thì sẽ đảm bảo tính khách quan hơn trong công tác xét xử, hạn chế được tâm lý nể nang, e ngại của thẩm phán khi giải quyết các vụ án hành chính.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị, cần nghiên cứu quy định rõ điều kiện, tiêu chí thành lập các Tòa án chuyên biệt trong dự thảo luật, chỉ thành lập các Tòa án chuyên biệt theo vùng, theo khu vực, tránh việc thành lập Tòa án chuyên biệt quá nhiều.
Bởi hiện nay, số lượng các vụ án về hành chính, phá sản, sở hữu trí tuệ cũng không quá lớn, chủ yếu tập trung ở đô thị. Nếu thành lập quá dàn trải, vừa không hiệu quả, vừa không đảm bảo tinh thần tinh gọn hệ thống chính trị nói chung.
Cùng nói về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho biết, về cơ sở chính trị, các nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết XIII đặt ra yêu cầu phải tăng cường tính chuyên biệt trong hoạt động xét xử của Tòa án.
Tuy nhiên, với cách bố trí như hiện nay thì sẽ rất khó để đảm bảo tính chuyên nghiệp với một số vụ án đặc thù, trong đó có án hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ.
Về cơ sở pháp lý, trong nhiều năm vừa qua, các nghị quyết kỳ họp của Quốc hội đều đặt ra yêu cầu đối với TAND tối cao và VKSND tối cao. Trong đó phải có những giải pháp căn cơ, đột phá để khắc phục những hạn chế và nâng cao chất lượng xét xử...
Theo đại biểu, với các án hành chính là loại rất phức tạp, xảy ra ngày càng nhiều ở các lĩnh vực quản lý Nhà nước.
Còn với án phá sản và sở hữu trí tuệ, đây là loại án rất khó về mặt chuyên môn. Các thẩm phán được phân công xét xử không chỉ đòi hỏi trình độ chuyên môn sâu về pháp luật mà còn đòi hỏi được đào tạo bài bản về kinh tế hành chính.
Chính vì vậy, đại biểu tán thành rất cao về việc cần thiết thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt. Đại biểu đề nghị trước mắt chỉ nên thành lập tòa sơ thẩm chuyên biệt ở 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM. Đây là những địa phương có nhiều vụ án, đồng thời nếu bản án của những tòa án này bị kháng cáo, kháng nghị sẽ do 3 Tòa án cấp cao ở đây xét xử theo trình tự phúc thẩm.
Đại biểu cho rằng, như vậy sẽ bảo đảm tập trung nhân lực, vừa hạn chế phát sinh bộ máy, vừa bảo đảm tính chuyên môn, chuyên nghiệp cao, loại bỏ nguy cơ gây mất tính độc lập của thẩm phán.