Cần chọn vấn đề trọng tâm cho các phiên thảo luận
Chiều 2.11, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi).
Đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân, đoàn Bình Dương, cho rằng nhằm nâng cao hiệu quả của phiên chất vấn, nhất là đối với việc thực hiện thí điểm các chính sách đặc thù của Quốc hội, kiến nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015.
Trong đó, mở rộng chủ thể được chất vấn là các cơ quan, tổ chức có liên quan và chính quyền địa phương nơi trực tiếp thực hiện hoặc chịu tác động trực tiếp việc thực hiện Nghị quyết.
Về lựa chọn nội dung chất vấn để tránh trùng lặp, đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Xuân đề nghị Nội quy kỳ họp cần quy định một số nguyên tắc lựa chọn vấn đề chất vấn.
Theo đó, số lượng vấn đề chất vấn phải phù hợp với thời lượng dành cho một chức danh được chất vấn. Các vấn đề lựa chọn chất vấn có mối liên quan hệ trực tiếp với nhau, những vấn đề bức xúc nhất hiện tại hoặc tồn đọng lâu dài không được giải quyết, những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng, đoàn Quảng Trị, cho rằng, tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội, cách thảo luận như hiện nay sẽ có nhiều đại biểu Quốc hội được thảo luận và được lắng nghe ý kiến ở tất cả các Đoàn. Mặc dù đề cập được nhiều vấn đề cử tri quan tâm, nhưng lại quá dàn trải.
Đại biểu đề nghị nên có quy định đổi mới theo hướng sau khi thảo luận tại tổ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên chọn một số vấn đề lớn được đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận, còn nhiều quan điểm khác nhau để thảo luận ở hội trường, dành thời gian bàn thảo, tranh luận cho sáng tỏ.
"Mục đích của việc có thể đưa ra các quyết sách đúng tầm, và thông báo trước cho đại biểu Quốc hội vài ngày để các đại biểu có thời gian nghiên cứu và chuẩn bị và tiến hành thảo luận theo thứ tự ưu tiên" - ông Đồng nói.
Theo đại biểu, với cách thức này, những ai nắm chắc, nắm sâu vấn đề gì thì sẽ bấm nút để đăng ký tham gia, không cần nhường nhau để mỗi Đoàn đều có đại diện được phát biểu như hiện nay, nhưng quan trọng hơn là sẽ tránh được những thông tin trùng lắp, dàn trải...
Việc chọn những vấn đề trọng tâm để thảo luận cũng giúp cho các đại biểu dù không tham gia tranh luận cũng sẽ yên tâm hơn khi đưa ra các quyết định của mình vì đã được nghe các ý kiến trao đi, đổi lại, nghe phân tích ở nhiều khía cạnh khác nhau.
Cần có chế tài nhắc nhở đối với trường hợp gửi văn bản chậm
Giải trình làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội quan tâm, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường thay mặt Ban soạn thảo cho biết sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến sâu sắc, tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu.
Về tài liệu phục vụ kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết vừa qua các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan hữu quan đã có rất nhiều cố gắng trong việc đảm bảo thời gian gửi tài liệu cho đại biểu Quốc hội.
Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm đôn đốc, đề nghị với các cơ quan gửi tài liệu đúng thời hạn. Về lâu dài cũng cần phải tiếp tục đề nghị có chế tài, chú tâm hơn trong việc đảm bảo thời gian gửi tài liệu.
Về nội dung xin ý kiến đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết, phiếu ý kiến là căn cứ quan trọng để xem xét quyết định các vấn đề.
Trước mắt sẽ tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để quy định theo hướng bắt đầu từ kỳ họp này những nội dung cần phải xin ý kiến đại biểu trước khi biểu quyết toàn văn sẽ được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất 24 giờ để đại biểu xem xét vấn đề này.
Ngoài ra, Tổng Thư ký Quốc hội cũng đã có giải trình làm rõ nội dung về dự khán, về gỡ băng, về thời gian vắng mặt và cách báo cáo của đại biểu, nhấn mạnh việc bảo đảm cho kỳ họp nghiêm túc, kỷ luật, kỷ cương và trách nhiệm ngày càng cao hơn.