Đỗ Doãn Hoàng: Phóng sự - nỗi mê dụ của “tận cùng, hang ổ”

ĐỖ DOÃN HOÀNG |

Hơn 12 con giáp gắn bó với báo Lao Động và mảng phóng sự, đôi lúc tôi tự hỏi, nghề viết sẽ đưa mình đến đâu. Và bất chấp để xông pha vào những “hang ổ”, những miền đất “tận cùng” đó, có gì mà hấp dẫn mình lâu đến thế. Trang viết, cũng như cuộc đời, bao giờ cũng thế, nó luôn thắp lên trong người ta cái khát vọng được đi đến tận cùng của cảm xúc và sự chứng thực. Dẫu phải đánh đổi đi nữa. Đến một ngày tôi nhận ra vẻ đẹp và sự mê dụ của những chuyến đi như thế. Nó giống như sự hiếu thắng rất Người, nó giống như những khát vọng kiêu hùng của tuổi trẻ. Nó còn là nghề và nghiệp.

Nhà báo lái xe đi “bắt” được 2 bánh heroin

20 năm trước, khi còn là sinh viên và cả khi mới tốt nghiệp trường báo, tôi may mắn được viết phóng sự cho Lao Động, nhận nhuận bút 1 chỉ vàng/bài; và nhận cả vài giải thưởng thi phóng sự nữa. Đến giờ có cả giải A lẫn giải B chứ không ít. Một trong những lần đó, tôi đã đi đến tận cùng của những tham vọng phiêu lưu, khi đi bộ nhiều ngày, đi xe lai (xe ôm) kỳ công và mạo hiểm để vào hang ổ của các trùm ma túy ở miền Tây xứ Nghệ. 

Ông trùm tên là Phay Trò ấy đã liều lĩnh xả súng Ak vào lực lượng truy bắt. Phải đến hơn 10 năm sau thì VTV mới đưa tin hắn bị tiêu diệt ở bên Lào. Những đêm biên ải đó. Tôi viết cả chuyện bên lề “Binh pháp xe lai”, kể về những người lái xe ôm miệt rừng mà tay họ bị chai sần đến mức: Anh ta ngồi trong đèn dầu dốc Bù Chồng Cha, dùng dao lát từng miếng thịt của cục chai to như quả trứng gà ở lòng bàn tay mình ra mà... đốt. Mùi thịt “nướng” khét mù ngôi nhà sàn của Nậm Nhoóng.

Một trong những lần dấn thân sau đó, tôi đã có mặt trong chuyên án đánh ma túy khổng lồ ở Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Anh Thắng - Phó Công an huyện rồi bạn Hằng, trinh sát đã trúng đạn, bởi hỏa lực của bọn bất lương. Hằng sinh cùng ngày cùng tháng cùng năm với tôi. Hai thằng chí thân từ hồi Hằng mê man bất tỉnh bên luống ngô tột đất Pha Long đó.

Thứ trưởng Bộ Công an lúc đó là đồng chí Lê Thế Tiệm đã đến tận giường bệnh viện động viên Hằng. Giữa năm 2017, mình đầy thương tật, bị dò xương đau đớn thê thảm, Hằng về Việt Đức chữa trị và gọi cho tôi. Lần khác, đang uống chén rượu hội ngộ với anh Tuấn Anh và cậu Hạnh (lãnh đạo đồn Biên phòng Tây Trang, Điện Biên) thì có anh lính trẻ vào thì thầm. Hạnh bảo, anh lái xe đi với em tí. Khỏi xỉa răng luôn. Ập vào bản Na Ư, tôi thấp thểnh lái chưa hiểu gì, thì họ tung cửa lao ra. Quây kín căn nhà. Đối tượng bị tóm với 2 bánh heroin và súng đạn. Hạnh bảo, phải xe biển trắng của anh thì bọn nó mới không nghi ngờ.

Đời làm phóng sự của tôi, đã được Lao Động đưa đi đến những miền hoang thẳm và xa ngái bậc nhất địa cầu. Những cuộc phá rừng, đào quặng khủng khiếp nhất, ở những hang ổ huyền thoại nhất, tôi đều may mắn và có gì đó chua xót được (phải) chứng kiến. Anh Giang, khi là giám đốc khu Bảo tồn Tà Xùa (Sơn La) đã cùng thuộc cấp xách súng AK, súng K54, đưa tôi đi bộ leo núi cả tuần để “xem” người ta làm ổ trong rừng già chặt pơ mu. Họ chặt nửa tháng mới hạ đổ một đại thụ pơmu đường kính đến 2m. Họ hút thuốc phiện và làm nhiều điều lục lâm thảo khấu trong đó.

Tôi lạc vào những vương quốc pơmu giàu có nhất của nước Việt Nam, ở dãy Hoàng Liên Sơn, nóc nhà toàn cõi Đông Dương. Tôi biết thế nào là nỗi đau từng miếng gỗ đẽo gọt mòn vẹt trên vai thon thiếu nữ Thái. Thế nào là chợ pơmu họp giữa đại ngàn như thổ phỉ, hương gỗ mới đẵn thơm ngát như hương trầm tống tiễn những báu vật thiên nhiên của đất nước ông bà. Công an, kiểm lâm bị phóng sự của chúng tôi tố cáo và nhiều người dính “án” nặng.

Ba năm sau, người dẫn đường cho tôi, do vô tình lộ mặt, vẫn bị kẻ xấu ném nhà, truy sát để trả thù. Nhiều chuyến phóng sự đã khiến tôi lạc vào những nương thuốc phiện mênh mông, hoa anh túc tím, trắng, hoàng yến đẹp não nùng. Trả trách người ta gọi đó là loài hoa có nhan sắc chết người. Tiếp đến là những cuộc tàn sát rừng nghiến ở Đông Bắc, trên các triền núi đá khắc nghiệt. Những cụ nghiến ngót nghìn năm tuổi bị xẻ thịt. Nhiều tàng cây đường kính đến 3m, hạ xong, lâm tặc thu được số tiền đủ mua một cái ô tô mới.


Tạ ơn số phận

Đi đến tận cùng xa xôi và chứng kiến những khốc hại đó, tôi và các bề trên cùng xắn tay áo nhóm nhau lại trong Hội Nhà báo Môi trường để giữ gìn thiên nhiên xứ sở. Và người nước bạn hay tin, họ mời tôi đi sang Châu Phi và nhiều quốc gia khác, để bảo vệ hoang thú. Lại là những mong muốn và sự thỏa mãn giấc mơ kiếm tìm “tận cùng” và vào hang ổ.

Lần nào sang Nam Phi, tôi cũng may mắn được “cấp” một cái trực thăng, đi với lủng liểng súng ống của lực lượng bảo vệ khu rừng đặc dụng vào loại lớn nhất thế giới Kruger. Đi đến tận cùng, 16 giờ chưa được ăn trưa là thường. Chúng tôi chứng kiến tê giác, voi rừng và nhiều hoang thú tuyệt mỹ sum vầy như miền tiên cảnh. Tiếp đến là thảm cảnh giết hại tê giác. Máu con vật phun ra, đỏ ối trên cát trắng. Mắt, dương vật và tất nhiên cả sừng của linh vật này đều bị cắt, khoét tàn độc.

Tê giác, loài vật đẹp, được người da đen thành kính bảo vệ, lại là loài to lớn dũng mãnh nhất trong những loài còn lại trên cạn của quả đất. Chúng không có đối thủ ngoài tự nhiên. Giờ nó nằm còng queo tội nghiệp, cứ 8 tiếng trôi qua, nhân loại là mất đi một cá thể tê giác vô tội. Tôi chứng kiến, nhiều voi, tê giác nằm trên vũng máu, bên cạnh và cả trong khoang bụng bị moi rỗng ruễnh chúng cứ nhô nhúc linh cẩu và kền kền trụi lông cổ vì tranh nhau đánh chén. Mỗi lần đi đến tận cùng trong các chiều kích của cảm xúc và của vỏ trái đất như thế, đau thì vẫn đau, hân hoan thì vẫn hân hoan. Tôi gọi đó là sự mê dụ của nghề phóng sự.


Không bị mê dụ, không có cảm giác biết ơn số phận sao được, khi mà nghề phóng sự đã cho tôi được đặt chân đến con đèo cao nhất thế giới mà có xe cơ giới có thể đi qua (ở Tây Tạng). Rồi chứng kiến quả núi lạ lùng mà ở đó người ta làm lễ, chặt xác người quá cố ra, dụ kền kền đến đem từng miếng trần gian trong tủy cạn lên giời (điểu táng). Lại có một bình minh lang thang trên sông Hằng, tận thấy cư dân Ấn Độ hỏa táng cập rập với bao nhiêu thi thể người rồi rải tro cốt xuống bến nước chúng tôi đang nhẩn nha cho chim nước ăn.

Đi đến tận cùng vùng Tam Giác Vàng, nơi từng sản xuất tới 70% lượng ma túy trên trái đất, tôi đã đòi đặt chân đến doi đất nằm giữa ngã ba sông, giáp ranh Lào, Thái,  Myanmar; đến tận cái làng “chôn nhau cắt rốn” mà “Vua Thuốc Phiện/Hoàng Tử Chết” Khun Sa được đúc tượng trưng bày để xúc cảm viết về “Tiếng gà trưa ở Tam Giác Vàng”.

Ngày đẹp trời nào đó, Lao Động cho tôi đi làm bài cho số Tết, xem “Hoa vẫn thắm bên bờ hai biển lớn” Đại Tây Dương và Ấn Độ Dương, để rồi Mũi Hảo Vọng (Cape Town, Nam Phi) mời tôi bơi hai sải thỏa tang bồng mà trườn từ biển lạnh sang biển ấm. Ngoài kia, hàng nghìn con chim cánh cụt, cả một đảo phủ kín hải cẩu. Đường về, cá voi gù lưng, dựng vây như thanh bảo kiếm đen kịt giữa đại dương, quây quanh các dãy núi Mười Hai Vị Tông Đồ.

Trong những năm tháng làm báo vừa qua, Lao Động là tờ báo tôi gắn bó nhất, ở lại lâu nhất và chưa bao giờ có ý định chia tay. Và Lao Động đã cho tôi vô vàn những chuyến đi, đi đến ngõ ngách, đến gần như là tận cùng của nhiều điều hữu ích. Sự chứng ngộ đó, tự nó luôn có một sức mê dụ đầy hoan hỉ.

ĐỖ DOÃN HOÀNG
TIN LIÊN QUAN

Suy ngẫm bên 360 ngọn núi lửa

Đỗ Doãn Hoàng |

Từ đảo Nami (cách thủ đô Seoul vài giờ đi tàu điện), chúng tôi mua vé bay ra thiên đường du lịch: Đảo Jeju với 360 kỳ quan nón phóng của núi lửa đã tắt giữa Thái Bình Dương xanh thắm. Hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc này thấy nhiều cái hấp dẫn lắm, chẳng trách người ta gọi nó là Hawaii của xứ sở kim chi. Nhưng đong đưa với đủ thứ lung linh, lạ lẫm rồi, bạn cũng đừng quên thưởng lãm một món độc đáo thượng thừa của thiên đường du lịch, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của nhân loại: Đảo núi lửa Jeju.

Núi trắng, hồ xanh Thụy Sỹ, chỉ ghé thăm thôi, thì tiếc lắm...

ĐỖ DOÃN HOÀNG |

Có nhiều lý do để loài người mắc hội chứng xê dịch. Một nguyên nhân quan trọng là khi du sơn hý thủy thì con người sẽ tự chữa được bệnh thiếu không gian mà tổ tông truyền lại. Tức là khi đi vào thiên nhiên, con người ta cảm thấy vơi bớt đi nỗi ám ảnh về sự nhỏ bé và hữu hạn vốn có của kiếp phận mình. Họ được thiên nhiên chia sẻ, bao dung rồi chiếm lĩnh và giác ngộ.

Trực tiếp bóng đá U20 Việt Nam vs U20 Guam

NHÓM PV |

Trực tiếp trận đấu giữa U20 Việt Nam và U20 Guam tại vòng loại U20 châu Á 2025, diễn ra lúc 19h00 hôm nay (25.9).

Bất cập quản lý tiền công đức tại 2 ngôi đền ở Ninh Bình

NGUYỄN TRƯỜNG |

Hiện nay, việc quản lý thu chi tiền công đức, dầu nhang tại đền Dâu và đền Quán Cháo (Ninh Bình) còn thiếu minh bạch.

Chủ tịch Tân Hoàng Minh được giảm 1 năm tù

Việt Dũng |

Ông Đỗ Anh Dũng - Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh được ghi nhận có các tình tiết mới nên được giảm án, bị hại duy nhất kháng cáo bị bác đơn.

Tài xế khai chuyện chở thùng tiền từ SCB về Vạn Thịnh Phát

Tâm Tú |

TPHCM - Lái xe của Trương Mỹ Lan khai, nhiều lần đến Ngân hàng SCB vận chuyển những thùng tiền đã được đóng sẵn đưa về Vạn Thịnh Phát hoặc nhà riêng của Lan.

Bỏ giấy chuyển tuyến bệnh hiểm nghèo, giảm tiền túi cho dân

ANH HUY |

Trong dự Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi có đưa ra việc bỏ thủ tục chuyển tuyến với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... để giảm chi tiền túi cho dân.

Những hình ảnh xúc động của các chiến sĩ giúp dân chống lũ

QUÁCH DU |

Những ngày qua, mưa lũ ở Thanh Hóa diễn ra khá phức tạp, do đó ngành chức năng, đặc biệt là công an, quân đội đã huy động tối đa lực lượng để giúp dân chống lũ.

Suy ngẫm bên 360 ngọn núi lửa

Đỗ Doãn Hoàng |

Từ đảo Nami (cách thủ đô Seoul vài giờ đi tàu điện), chúng tôi mua vé bay ra thiên đường du lịch: Đảo Jeju với 360 kỳ quan nón phóng của núi lửa đã tắt giữa Thái Bình Dương xanh thắm. Hòn đảo lớn nhất Hàn Quốc này thấy nhiều cái hấp dẫn lắm, chẳng trách người ta gọi nó là Hawaii của xứ sở kim chi. Nhưng đong đưa với đủ thứ lung linh, lạ lẫm rồi, bạn cũng đừng quên thưởng lãm một món độc đáo thượng thừa của thiên đường du lịch, một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của nhân loại: Đảo núi lửa Jeju.

Núi trắng, hồ xanh Thụy Sỹ, chỉ ghé thăm thôi, thì tiếc lắm...

ĐỖ DOÃN HOÀNG |

Có nhiều lý do để loài người mắc hội chứng xê dịch. Một nguyên nhân quan trọng là khi du sơn hý thủy thì con người sẽ tự chữa được bệnh thiếu không gian mà tổ tông truyền lại. Tức là khi đi vào thiên nhiên, con người ta cảm thấy vơi bớt đi nỗi ám ảnh về sự nhỏ bé và hữu hạn vốn có của kiếp phận mình. Họ được thiên nhiên chia sẻ, bao dung rồi chiếm lĩnh và giác ngộ.