50% vấn đề đại biểu quan tâm là về tài chính đất và định giá đất
Sáng 7.4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tiếp tục thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Làm rõ thêm về một số vấn đề đại biểu quan tâm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà nêu rõ, các đại biểu đã có các ý kiến toàn diện sâu sắc, thể hiện nghiên cứu kỹ lưỡng dự án Luật Đất đai (sửa đổi) sau khi đã tiếp thu, chỉnh lý và từ thực tiễn các đại biểu đã nhiều đề xuất xác đáng.
Phó Thủ tướng cho biết qua theo dõi, có trên 50% vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm đề cập là về tài chính đất và định giá đất. Nhấn mạnh vấn đề này là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, nếu giải quyết được vấn đề này thì các vấn đề khác cũng được giải quyết từ tranh chấp về đất đai, khiếu nại tố cáo…
Do đó, từ các Luật Đất đai trong suốt thời gian qua từ 1993 đến nay, các cơ quan kiên trì tìm bài toàn giải quyết tài chính đất đai, vấn đề giá thị trường. Mục tiêu đặt ra là phù hợp với giá thị trường.
Chia sẻ với 4 phương pháp tính hiện nay nhưng cũng chưa bao giờ có giá chính xác, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, nguyên nhân là do thông số đầu vào không chính xác. Lần này, dự luật xác định không tuyệt đối nhưng bảo đảm cơ sở khoa học, thu thập giá đúng.
Để làm được điều này, người dân cần giao dịch đất đai trên sàn, có đăng kí với văn phòng với giá đúng. Trên cơ sở thu thập đầu vào đúng từ sàn giao dịch, cơ sở dữ liệu đất đai, người dân đăng kí thực hiện chuyển quyền đăng kí ở văn phòng để có dữ liệu, và có phương pháp tính đúng từ có thông tin trên bản đồ để đưa ra giá trị chuẩn.
Cố gắng lượng hóa các nội dung liên quan đến thu hồi đất
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng bày tỏ tâm đắc với các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về điều tiết địa tô.
Theo đó, điều tiết địa tô, Nhà nước cần có chính sách để hài hòa, vừa thu được địa tô vừa điều tiết cho người dân đã giữ đất, phát triển đất, lợi ích cộng đồng, điều tiết được cho người dân ở khu vực, cho những người dân ở những khu vực khác không có điều kiện, những người bị thu hồi đất chỉ làm công trình công cộng như là quốc phòng, an ninh…
Đồng thời, về nội dung chính sách cụ thể cũng cần được nghiên cứu làm rõ hơn về tỷ lệ bao nhiêu phần trăm cho người dân tại chỗ, bao nhiêu phần trăm để đưa vào ngân sách nhà nước để điều tiết cho những khu vực mà các dự án đầu tư công ích khác… Các vấn đề này liên quan nhiều đến các luật về ngân sách, thuế.
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết ban soạn thảo cố gắng để lượng hóa được nội dung liên quan đến quy định người dân sau khi bị thu hồi đất phải có điều kiện sống tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ.
“Ban soạn thảo quan niệm đời sống tốt hơn chính là đồng bộ hạ tầng về mặt giao thông, văn hóa, giáo dục, y tế... Về chỗ ở có diện tích lớn hơn”, Phó Thủ tướng nêu.
Phó Thủ tướng dẫn chứng các mô hình triển khai bố trí tái định cư hiệu quả, người dân phấn khởi hưởng ứng như tại Phú Thọ, Tuyên Quang, Đồng Nai, Nghệ An, Hà Tĩnh. Đồng thời cho biết cơ quan soạn thảo cố gắng nghiên cứu để đưa các mô hình này vào trong dự luật.
Quy định chung "dự án được thu hồi đất để phục vụ công trình vì lợi ích quốc gia, công cộng" đã được Ban soạn thảo sửa đổi. Theo đó, những dự án được phép thu hồi đất được nêu chi tiết, như xây dựng công trình công cộng (giao thông, thủy lợi, năng lượng, bưu chính viễn thông); xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, công trình sự nghiệp;...
Đất thực hiện dự án vì mục đích công cộng khác như như nhà ở xã hội, nhà ở công vụ, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công trình thăm dò, khai thác khoáng sản, dự án lấn biển, sẽ do Nhà nước thu hồi để đấu giá.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết thay đổi này nhằm quy định rõ dự án vì lợi ích quốc gia, công cộng, kèm theo tiêu chí cụ thể. "Liệt kê toàn bộ các dự án được phép thu hồi đất vào trong luật giúp dự thảo cụ thể hơn rất nhiều", ông đánh giá.