Việc thử nghiệm còi tàu xuất phát từ thực tiễn do nhiều đoạn đường sắt chạy song song với đường bộ, cộng với tiếng ồn đô thị lớn nên người dân đi qua giao cắt đường bộ - đường sắt dễ chủ quan, nhầm tưởng tiếng còi tàu là tiếng còi ô tô tải, xe container, không chú ý quan sát tàu, dẫn đến nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Vì vậy, phải thay đổi tiếng còi tàu sao cho đảm bảo dễ gây chú ý với tần số âm thanh lớn, không lẫn với các loại âm thanh đường phố khác.
Sau nửa năm tìm kiếm loại âm thanh phù hợp, Tổng Công ty Đường sắt VN đã giao thiết bị cho Xí nghiệp Đầu máy Hà Nội thử nghiệm trên đầu máy kéo tàu chạy tuyến Bắc Nam. Việc thử nghiệm diễn ra trong 3 tháng.
Hiện đã lắp trên đầu máy và chạy thử nghiệm hơn 1 tháng qua. Còi tàu này có thể phát được 3 loại âm thanh khác nhau như: Âm thanh tần số như tàu hơi nước, âm thanh tần số như còi xe cảnh sát, âm thanh tần số như còi xe cứu thương nhưng được khuếch đại lên.
Việc sử dụng loại âm thanh nào tùy thuộc kinh nghiệm của lái tàu khi tàu sắp qua các nút giao cắt đường bộ - đường sắt.
“Thực ra, còi tàu hiện nay vẫn là tín hiệu cảnh báo của đường sắt. Còn còi tàu đang thử nghiệm chỉ sử dụng trong trường hợp khẩn cấp hoặc tàu sắp đi qua giao cắt có nguy cơ mất an toàn cao để tăng tín hiệu cảnh báo.”, ông Trường nói và giải thích thêm.
Nhiều trường hợp người dân đi, đứng, nằm, ngồi trên đường sắt hoặc đi qua giao cắt một cách vô ý, có kéo còi tàu hiện đang sử dụng họ vẫn không nhận ra, vì thế khi sử dụng âm thanh còi đang thử nghiệm sẽ khiến họ giật mình, tránh ra kịp thời.
Ông Trường cho biết, thời gian thử nghiệm vừa qua, lái tàu phản ánh việc sử dụng còi tàu hiệu quả, nhất là khi tàu sắp vào các đường ngang, lối dân sinh có lưu lượng phương tiện đường bộ đi lại lớn.
“Tuy nhiên, chúng tôi vẫn tiếp tục theo dõi, đánh giá các thông số cụ thể đến hết thời gian thử nghiệm rồi mới quyết định có áp dụng đại trà hay không”, ông Trường nhấn mạnh.
Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt VN, 7 tháng đầu năm 2017, tình hình trật tự an toàn giao thông đường sắt có những chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đường sắt giảm ở cả 3 tiêu chí: Số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ.
Theo thống kê đến 30/7, xảy ra 194 vụ tai nạn, giảm 47 vụ (tương đương 19,5%). Trong đó: Chủ quan 7 vụ, giảm 2 vụ (22,2%); Khách quan 187 vụ, giảm 45 vụ (19,4%). Tai nạn giao thông đường sắt đã làm chết 95 người, giảm 6 người (5,9%) và làm bị thương 125 người, giảm 39 người (23,8%).
Tuy nhiên, trên toàn mạng lưới đường sắt hiện nay vẫn còn 5.564 điểm giao cắt đường bộ - đường sắt; trong đó đường ngang hợp pháp là 1.516 điểm, đường dân sinh, lối đi dân sinh tự mở là 4048 điểm (chiếm 74%). Đây là những vị trí tiềm ẩn tai nạn đường sắt. Ngoài ra, còn tồn tại 14.054 điểm vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt, trong đó 13.220 vị trí vi phạm hành lang an toàn dọc 2 bên đường sắt, 834 vị trí vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thông tin tín hiệu đường sắt.
Theo Báo Giao thông