Phải có sự lựa chọn cho người dân
Bên hành lang Quốc hội chiều ngày 30.10, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) đã có trao đổi với PV Lao Động liên quan tới đề xuất thu phí phương tiện cơ giới đường bộ đi vào một số khu một số khu vực nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, các đô thị lớn nếu hạ tầng không đủ dẫn đến quá tải thì thu phí là hợp lý, tránh mất cân đối giữa những người có phương tiện cá nhân với người không có. Tuy nhiên, việc thu phải thực hiện trong bối cảnh phù hợp.
“Ví dụ khi thu phí thì phải phát triển thêm hệ thống giao thông công cộng để người dân có lựa chọn tốt hơn. Trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay, doanh nghiệp, người dân đang chịu chi phí rất lớn thì phải cân nhắc. Bên cạnh đó, quỹ đất giao thông đô thị của Việt Nam hiện nay đang thấp, đặc biệt là giao thông tĩnh nên một mặt phải đầu tư để mở rộng thêm và mặt khác cũng phải đầu tư hạ tầng”, ông Cường nói.
Theo đại biểu Cường, việc thu phí trong lâu dài là đúng nhưng trong thời điểm hiện tại chưa nên nghĩ đến triển khai ngay. Ít nhất để khi nền kinh tế phục hồi, người dân, doanh nghiệp đỡ gánh nặng từ đại dịch. Cùng với đó, cần phát triển hệ thống giao thông hạ tầng, giao thông công cộng đi song hành thì thu phí phương tiện cá nhân.
Đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng cần triển khai nhiều biện pháp chứ không thể đơn thuần “chặn đường” thu phí ngay.
Về vấn đề Hà Nội đặt lộ trình đến 2025 triển khai thu phí, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, lộ trình này có phù hợp hay không phụ thuộc vào vấn đề phát triển hệ thống hạ tầng công cộng của Hà Nội. Hiện phương tiện công cộng chưa đáp ứng được nhu cầu người dân nên Hà Nội mới chỉ ra kế hoạch đến 2025.
Ông Cường lấy dẫn chứng rất nhiều nước đã sử dụng thuế, phí cho phương tiện cá nhân rất cao, thậm chí có những người không mua xe vì chi phí cho đỗ xe rất đắt.
“Nhưng tôi vẫn đặt lại vấn đề chúng ta làm việc đó trong điều kiện có sự lựa chọn cho người dân. Còn nếu bây giờ không có sự lựa chọn mà chúng ta cứ đè ra để thu phương tiện cá nhân thì cái đấy là cái không ai đồng ý cả. Một khi đã có lựa chọn rồi thì người ta phải tính toán chuyện đó”, ông Cường nhấn mạnh.
Giao thông công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu
Cùng trao đổi về việc này, chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Giao thông Vận tải cho rằng, chủ trương thu phí để hạn chế phương tiện cá nhân đã được đưa ra cách đây 4-5 năm. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà đề án này chưa thể thực hiện được.
TS Nguyễn Xuân Thuỷ cho rằng, hạ tầng giao thông của Hà Nội vẫn đang yếu kém, "đường không thông, cầu không thoáng", mặt đường nhỏ hẹp, quỹ đất giao thông mới chỉ có 7% trong khi yêu cầu thực tế đặt ra phải trên 20%. Bên cạnh đó, cốt lõi của Hà Nội là giao thông công cộng chưa phát triển, không đáp ứng được yêu cầu với thành phố khoảng 10 triệu dân.
Bên cạnh đó, Hà Nội hiện chưa có tuyến đường sắt đô thị, tuyến Metro nào có thể đưa vào sử dụng được ngay. Trong khi xe buýt vẫn chưa đáp ứng đủ số lượng khi hạn chế phương tiện cá nhân. Từ những lý do này nên người dân buộc phải dùng phương tiện cá nhân để đi lại, làm ăn và sinh sống. Trước mắt, xe máy, ôtô vẫn là phương tiện chính và nó vẫn tồn tại.
"Chỉ bằng cách phương tiện công cộng phát triển tốt hơn, hạ tầng giao thông hiện đại lên thì người dân mới bỏ bớt phương tiện cá nhân. Nhà nước và các doanh nghiệp phải xây dựng nhiều hệ thống giao thông công cộng để phục vụ người dân"- ông Thuỷ nêu quan điểm.