Ngày 9.1, theo tìm hiểu của PV Lao Động, Bộ Tư pháp vừa có báo cáo đánh giá tình hình cấp phiếu lý lịch tư pháp và đề xuất, kiến nghị phục vụ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp phiếu lý lịch tư pháp cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An.
Theo Bộ Tư pháp, nhìn chung, công tác lý lịch tư pháp (LLTP) tại cả 3 địa phương nói trên đều nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực của UBND tỉnh, thành phố.
Sự phối hợp của các cơ quan, ban, ngành, UBND cấp huyện trong công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật LLTP được thường xuyên, kịp thời, đặc biệt là cấp phiếu LLTP trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính công ích tỉ lệ ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, Bộ Tư pháp cũng nêu ra một số khó khăn, vướng mắc đó là một số tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân lạm dụng quyền yêu cầu cấp phiếu LLTP của cá nhân trong tuyển dụng, quản lý, sử dụng lao động; một số tỉnh, thành phố chưa chủ động trong tổ chức tiếp nhận hồ sơ cấp phiếu LLTP để kịp thời đáp ứng yêu cầu tăng cao của người dân, dẫn đến tình trạng chậm trễ, ùn ứ tại một số thời điểm, gây bức xúc trong dư luận xã hội.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phối hợp cung cấp, trao đổi, tra cứu, xác minh thông tin LLTP còn hạn chế; chưa thực hiện chia sẻ, kết nối Cơ sở dữ liệu LLTP với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác có liên quan;
Việc cấp phiếu LLTP trực tuyến chưa thực sự phát huy được hiệu quả thực chất, qua theo dõi, phản ánh cho thấy phần lớn người dân chưa sử dụng phương thức này khi yêu cầu cấp Phiếu LLTP...
Vẫn còn tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu LLTP gây khó khăn, bức xúc cho người dân. Khó khăn trong xác minh điều kiện đương nhiên xóa án tích.
Trong tờ trình đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm phân cấp việc cấp phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện tại Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An, Bộ Tư pháp cũng đưa ra đánh giá về hoạt động cấp phiếu LLTP trong thời gian qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tư pháp cho hay, về công tác cấp phiếu LLTP, tình trạng lạm dụng yêu cầu cấp phiếu LLTP số 2 ngày càng phổ biến, ảnh hưởng tới quyền được bảo vệ bí mật cá nhân, chính sách nhân đạo của pháp luật hình sự của Nhà nước; ảnh hưởng đến việc tái hòa nhập của người bị kết án, đặc biệt là những người đã được xóa án tích.
Nhằm khắc phục tình trạng chậm thời hạn cấp phiếu LLTP trong thời gian qua, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau: như tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền, ứng dụng công nghệ số... Trong đó việc phân cấp thẩm quyền cấp phiếu LLTP cho Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện là một giải pháp cần thiết.
Bộ Tư pháp cho biết, theo thống kê, hiện nay thành phố Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An là ba địa phương có số lượng yêu cầu cấp phiếu LLTP lớn nhất cả nước, từ năm 2021 đến năm 2023, trung bình mỗi năm Hà Nội cấp 51.211 phiếu LLTP, TPHCM cấp 95.979 phiếu LLTP, tỉnh Nghệ An cấp 56.900 phiếu LLTP.
Trong bối cảnh nguồn nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của Sở Tư pháp còn hạn chế thì việc tiếp nhận một số lượng lớn hồ sơ đã gây tình trạng quá tải cho bộ phận làm công tác LLTP tại các địa phương này. Có thời điểm người dân phải xếp hàng từ rất sớm để nộp hồ sơ yêu cầu cấp phiếu LLTP, gây bức xúc trong dư luận