Không được ép buộc tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký chứng thực Nghị quyết số 1035/NQ-UBTVQH15 về hoạt động chất vấn tại Phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Tại nghị quyết, đối với lĩnh vực tài chính, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu phát triển toàn diện thị trường bảo hiểm đáp ứng nhu cầu của các cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế; đa dạng và chuyên nghiệp hóa kênh phân phối bảo hiểm nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận với các dịch vụ của bảo hiểm, đặc biệt là đối tượng khách hàng có thu nhập thấp; công khai, minh bạch thông tin về sản phẩm và doanh nghiệp bảo hiểm; nâng cao chất lượng tư vấn bảo hiểm.
Thực hiện nghiêm quy định của Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật Các tổ chức tín dụng về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức, nhất là việc bán bảo hiểm kèm với những sản phẩm của ngân hàng. Tiếp tục tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về kế toán, kiểm toán, thẩm định giá, dịch vụ xếp hạng tín nhiệm và chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện theo hướng tiếp cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán độc lập; sửa đổi điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán trong Luật Kế toán và Luật Quản lý thuế.
Ngoài ra, hoàn thiện khung pháp lý đối với lĩnh vực xổ số, đặt cược, casino và trò chơi có thưởng. Chậm nhất là năm 2025, hoàn thành việc sửa đổi Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24.1.2017 của Chính phủ về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và bóng đá quốc tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị tiếp tục xây dựng Hải quan Việt Nam chính quy, hiện đại, ngang tầm hải quan các nước phát triển trên thế giới.
Đến năm 2025, cơ bản hoàn thành Hải quan số với 100% các thủ tục hành chính trong lĩnh vực cấp phép, kiểm tra chuyên ngành cho hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh được thực hiện thông qua Cơ chế Một cửa Quốc gia; 100% thủ tục hành chính có nhu cầu sử dụng cao được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; xây dựng, phát triển hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan hiện đại, đội ngũ công chức hải quan các cấp có chất lượng, đáp ứng yêu cầu triển khai hải quan số.
Ban hành đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá (sửa đổi), nhất là quy định về Chuẩn mực thẩm định giá Việt Nam, bảo đảm đồng bộ hệ thống văn bản khi Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024.
Tăng cường công tác quản lý giá, góp phần sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn lực tài chính hợp pháp khác. Chủ động, kịp thời phân tích, dự báo giá cả thị trường để xây dựng và cập nhật các kịch bản điều hành nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội đề ra...
Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế
Đối với lĩnh vực ngoại giao, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030. Thúc đẩy đưa hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào các thị trường lớn, còn nhiều tiềm năng.
Phát huy vai trò của mạng lưới các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, là cầu nối hỗ trợ cho các cấp, các ngành, doanh nghiệp và địa phương tiếp cận và nắm bắt cơ hội về khoa học - công nghệ, giáo dục và đào tạo, xu thế phát triển số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…
Nhiệm vụ tiếp theo là tiếp tục nâng cao hiệu quả, đổi mới nội dung, hình thức, phương thức của công tác ngoại giao văn hóa, thông tin tuyên truyền đối ngoại; tích cực, chủ động hợp tác song phương và đa phương về du lịch.
Gắn kết chặt chẽ ngoại giao văn hóa với ngoại giao kinh tế, góp phần thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, du lịch, hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi để đất nước phát triển nhanh, bền vững.