Vẫn vướng về cơ chế chính sách
Theo báo cáo, từ tháng 10.2018, Bộ GTVT đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư theo quy định và phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam với tổng mức đầu tư là 102.513 tỉ đồng. Đến nay, sau gần 3 năm triển khai dự án vẫn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc do đi qua nhiều địa phương, phạm vi giải phóng mặt bằng lớn, đặc biệt là quy định pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư còn chưa hoàn thiện.
Báo cáo nêu rõ, thời gian vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt, địa phương và các bộ, ngành đã có nhiều nỗ lực trong triển khai công tác giải phóng mặt bằng các dự án thành phần, công tác giải phóng mặt bằng đến thời điểm hiện nay đã đạt trên 91%. Nhưng theo đánh giá thì việc triển khai phần khối lượng còn lại gặp nhiều khó khăn do tập trung tại các khu đông dân cư, phải tái định cư và các đoạn phải di dời công trình hạ tầng kỹ thuật. Nguyên nhân chủ yếu do thủ tục liên quan đến quá trình xây dựng các khu tái định cư và di dời các công trình hạ tầng rất phức tạp nên tiến độ còn chậm hơn so với dự kiến.
Đối với các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, quá trình triển khai thực hiện đã áp dụng nhiều cơ chế nhằm khắc phục triệt để những bất cập so với các dự án BOT triển khai trong giai đoạn trước đây. Cụ thể sử dụng vốn Nhà nước triển khai trước công tác giải phóng mặt bằng, đến nay đạt trên 91% khối lượng; áp dụng hình thức PPP có sự tham gia đáng kể của vốn nhà nước (trung bình khoảng 51% tổng vốn đầu tư); các dự án thành phần được đầu tư xây dựng mới, áp dụng hình thức thu phí kín với mức phí tính toán theo chiều dài sử dụng dịch vụ nên đảm bảo công bằng tuyệt đối; mức thu phí sử dụng dịch vụ đã được Quốc hội cho phép quy định cụ thể mức giá khởi điểm và mức giá cho từng thời kỳ; nâng yêu cầu vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia tối thiểu 20% tổng vốn đầu tư; tổng vốn đầu tư trong hồ sơ mời thầu được xác định theo thiết kế kỹ thuật, dự toán được phê duyệt nên kiểm soát chặt chẽ hơn chi phí đầu tư; mức lãi suất huy động vốn vay tính toán trong hồ sơ mời thầu xác định bằng bình quân trung bình lãi suất cho vay trung hạn và dài hạn của 3 ngân hàng thương mại nên phù hợp với thị trường; việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu rộng rãi, đảm bảo cạnh tranh, minh bạch...
Tuy nhiên, việc huy động vốn tín dụng đối với các dự án thành phần đầu tư theo phương thức PPP hiện nay đang gặp rất nhiều khó khăn. Các tổ chức tín dụng hiện nay chủ yếu là huy động ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn dẫn đến khó khăn trong cân đối nguồn vốn.
Bên cạnh đó, để bảo đảm ổn định chính sách tiền tệ, pháp luật về tín dụng quy định lộ trình giảm dần tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn và dài hạn. Các dự án BOT, BT giao thông có quy mô và tổng mức đầu tư lớn, thời gian vay vốn kéo dài... nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho các ngân hàng. Trong hơn 2 năm qua đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn dự kiến tại các dự án BOT, đến nay chưa được xử lý dứt điểm, nguy cơ phát sinh nợ xấu, phải chuyển nhóm nợ, cơ cấu lại khoản vay... gây rủi ro, tạo áp lực rất lớn cho các tổ chức tín dụng.
Cùng với đó, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng thương mại nhà nước đã chạm ngưỡng, tổng dư nợ và cam kết tín dụng đối với các dự án BOT, BT đã chạm tới giới hạn cấp tín dụng đối với lĩnh vực này. Trong khi đó, theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các ngân hàng thương mại, Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông là dự án quan trọng quốc gia, các ngân hàng nhận thức được trách nhiệm trong việc xem xét, cung cấp tín dụng cho các dự án thành phần; tuy nhiên, việc cung cấp tín dụng phải thực hiện theo cơ chế thương mại hiện hành, các ngân hàng tự xem xét, quyết định cho vay trên cơ sở thẩm định hiệu quả của dự án, khả năng trả nợ của khách hàng và khả năng cân đối nguồn vốn tín dụng của tổ chức tín dụng.
Đảm bảo lợi ích của Nhà nước và nhà đầu tư
Người đứng đầu Bộ GTVT cũng thẳng thắn thừa nhận: “Ngay cả trường hợp nhà đầu tư đã được lựa chọn và ký kết hợp đồng, cũng chưa thể khẳng định sẽ huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án.
Theo yêu cầu tại hồ sơ mời thầu, nhà đầu tư có thời gian tối đa 6 tháng (từ thời điểm ký kết hợp đồng) để huy động vốn tín dụng; trường hợp nhà đầu tư không huy động được vốn tín dụng Cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng và tịch thu bảo đảm thực hiện hợp đồng. Trường hợp đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư đã được lựa chọn nhưng không huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án.
Để bảo đảm việc triển khai Dự án theo đúng yêu cầu, Bộ GTVT đề xuất Chính phủ kiến nghị với Quốc Hội, có ý kiến với các Đoàn Đại biểu Quốc hội các địa phương có dự án đi qua, thường xuyên quan tâm, hỗ trợ và kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đặc biệt là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để sớm bàn giao mặt bằng cho Dự án.
Đối với dự án thành phần đấu thầu không lựa chọn được nhà đầu tư hoặc nhà đầu tư được lựa chọn nhưng không huy động được nguồn vốn tín dụng để triển khai, đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển đổi phương thức đầu tư.
Trong bối cảnh nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, để tiếp tục đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, cần có giải pháp đồng bộ, kịp thời, thống nhất, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng xử lý triệt để các khó khăn, vướng mắc tại các dự án BOT trước đây; tạo niềm tin, môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng tham gia các dự án đầu tư theo phương thức PPP trong giai đoạn tới.