Chương trình Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần VI do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế chỉ đạo nhân Kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 – 27.2.2024). Chương trình nhằm tri ân, tôn vinh những cống hiến, hy sinh thầm lặng của đội ngũ thầy thuốc trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Đến dự chương trình Tôn vinh thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết ''Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI có sự hiện diện của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước: Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; đồng chí Trần Thanh Mẫn - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương; đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Trần Hồng Hà - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Đào Hồng Lan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, với tình cảm cá nhân, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trân trọng gửi tới các thế hệ thầy thuốc, các đồng chí lãnh đạo và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế qua các thời kỳ lời thăm hỏi thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Theo Chủ tịch nước, trong suốt 69 năm qua, ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu, không quản gian khổ, hy sinh, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, ngày càng trưởng thành và lớn mạnh về mọi mặt.
Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong số ít các nước có mạng lưới y tế hoàn chỉnh tới thôn, bản, bảo đảm cung cấp các dịch vụ y tế cơ bản cho mọi người dân, nước ta đạt được các mục tiêu Thiên niên kỷ về chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh; các chỉ số sức khỏe của người dân đã được nâng lên rõ rệt. Người nghèo, người dân tộc thiểu số, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật… đều được hỗ trợ tiếp cận dịch vụ y tế.
Nhiều thầy thuốc của Việt Nam được đồng nghiệp, bạn bè quốc tế đánh giá cao; đã thực hiện thành công nhiều kỹ thuật khó, điều trị được một số bệnh hiểm nghèo, tiếp cận và làm chủ được hầu hết các kỹ thuật y học tiên tiến trên thế giới, như: tim mạch can thiệp, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, ghép tạng, ghép chi, sản xuất vaccine…
Phát biểu tại buổi lễ Tôn vinh Thầy thuốc Việt Nam và trao giải cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, vào thời khắc này, khi chúng ta ngồi đây, hàng trăm nghìn y bác sĩ, nhân viên y tế vẫn đang túc trực bên giường bệnh, trong phòng cấp cứu, hay đến tận nhà dân ở các vùng biên giới, hải đảo xa xôi. Có những nhà khoa học đang miệt mài trong phòng thí nghiệm. Có những cán bộ y tế dự phòng, cán bộ dân số đi từng căn ngõ nhỏ để bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Tự đáy lòng mình, Bộ trưởng bày tỏ sự cảm phục và tự hào về các thầy thuốc, người lao động toàn ngành. "Xin cảm ơn các đồng chí đã luôn kiên cường, vượt khó, sáng tạo, dám nghĩ dám làm để đạt được những kết quả đáng tự hào. Xin cảm ơn các đồng chí đã ngày đêm thầm lặng hy sinh để phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc" - Bộ trưởng chia sẻ.
Tại cuộc thi "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI, có tác giả đã gửi tới Ban tổ chức nhiều bài dự thi. Các tác phẩm được gửi tới cuộc thi tăng về số lượng và chất lượng, với đa dạng các thể loại.
Các nhân vật trong những tác phẩm trải dài khắp các vùng miền từ Bắc chí Nam. Họ hiện đang công tác tại nhiều vị trí ở các cơ sở y tế; là lãnh đạo có nhiều cống hiến hoặc đơn thuần là nhân viên y tế cần mẫn, miệt mài ở vùng sâu, vùng xa, vùng hải đảo… Nhưng ở họ đều có một điều đáng trân trọng là chung chí hướng góp phần cho sự nghiệp vì sức khỏe nhân dân.
Tại cuộc thi lần này, có sự xuất hiện của thể loại "báo hình" - Multimedia. Năm 2010, chỉ chưa đầy 600 tác phẩm tham gia cuộc thi thì năm 2023, Ban Tổ chức đã nhận được hơn 1.000 tác phẩm.
Tại lễ trao giải cuộc thi viết "Sự hy sinh thầm lặng" lần thứ VI, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc nhất, bao gồm: 1 Giải đặc biệt, 1 Giải Nhất, 2 Giải Nhì, 5 Giải Ba, trong đó Giải Đặc biệt với giá trị cao nhất từ trước đến nay, lên tới 80 triệu đồng.
Báo Lao Động có hai tác phẩm "Bát mì gieo hoài bão và cuộc trở về để phụng sự ngành y" của phóng viên Cao Tuân và "Những bác sĩ giành sinh mạng từ hủ tục chôn sống con theo mẹ chết" của nhóm tác giả Hoàng Văn Minh, Hoàng Bin đạt giải Khuyến khích của cuộc thi.