Truyền thông đến từng nhóm đối tượng
Ngày 8.5, Bảo hiểm xã hội tỉnh Gia Lai phối hợp với Bưu điện tỉnh phát động lễ ra quân vận động triển khai BHXH toàn dân – truyền thông người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Đợt ra quân để truyền thông chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về BHXH, BHYT, qua đó khẳng định sự quan tâm sâu sắc, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đối với sự nghiệp an sinh xã hội cho toàn thể nhân dân.
BHXH tỉnh Gia Lai truyền thông, vận động trực tiếp đối với nhóm chủ thể là nông dân và lao động khu vực phi chính thức, chú trọng đến các nhóm chủ thể tiềm năng, về quyền và lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình; Những rủi ro khi không tham gia BHXH, BHYT, từ đó thay đổi nhận thức, hành động và thói quen của người dân để chủ động tham gia BHXH đảm bảo an sinh, ổn định cuộc sống.
Đồng thời, truyền thông đến nhóm người lao động dừng tham gia BHXH bắt buộc đang bảo lưu thời gian để tư vấn, vận động người lao động không nhận BHXH một lần, tiếp tục chuyển sang tham gia BHXH tự nguyện.
Đảm bảo phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện trong và sau Lễ ra quân, dự kiến phấn đấu phát triển được 350 người tham gia.
Xác định các nhóm chủ thể truyền thông phù hợp, trong đó tập trung vào các nhóm chủ thể tiềm năng như hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại, thợ thủ công, lao động trong các hợp tác xã, làng nghề truyền thống. Người làm nghề tự do có thu nhập như buôn bán, kinh doanh cá thể, tiểu thương, chủ nhà trọ.
Và nhóm người lao động dừng tham gia BHXH bắt buộc đang bảo lưu thời gian,… để phát triển, duy trì người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
BHXH tỉnh Gia Lai sẽ phối hợp cơ quan Bưu điện, các đại lý thu triển khai tuyên truyền đến từng cụm dân cư, các hợp tác xã… để phát tờ rơi tuyên truyền, hướng dẫn, tư vấn, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.
Chỉ tiêu bao phủ BHYT, BHXH cao
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Văn Lực – Giám đốc BHXH tỉnh Gia Lai cho biết, hiện trên địa bàn, tỉ lệ BHYT bao phủ với hơn 1.200.000 người có thẻ và hơn 90.000 người dân tham gia BHXH. Tại Gia Lai, phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống tại khu vực II, III không còn được ngân sách nhà nước hỗ trợ làm thẻ BHYT, vì thế có hơn 200.000 người phải ra khỏi hệ thống BHYT.
Đơn vị đã rà soát lại các hộ nghèo, cận nghèo, để ngoài mức hỗ trợ của Trung ương, tỉnh Gia Lai sẽ trích nguồn kinh phí để hỗ trợ cho nhóm đối tượng này tham gia bảo hiểm, có cả học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Năm 2022, Chính phủ giao cho tỉnh Gia Lai phải đạt tỉ lệ 92% người dân có thẻ BHYT, đến 2025 đạt 95%, đây là chỉ tiêu rất cao đối với tỉnh miền núi như Gia Lai.
Bởi những xã lên Nông thôn mới không còn được ngân sách hỗ trợ để mua thẻ BHYT nên sẽ rất khó khăn để hoàn thành chỉ tiêu.
"Hy vọng qua những tháng vận động tuyên truyền này sẽ thúc đẩy hơn nữa nhiều hộ dân tham gia BHYT, BHXH", ông Trần Văn Lực nói.