Cụ thể sau hơn 2 tháng triển khai các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, người dân bị thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra, tính đến ngày 8.6, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 249.108 khách hàng với dư nợ 172.365 tỷ đồng và miễn, giảm, hạ lãi suất cho 403.177 khách hàng với dư nợ 1.227.349 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay mới lãi suất ưu đãi với doanh số lũy kế từ 23.1 đến nay đạt 978.529 tỷ đồng cho 225.514 khách hàng lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5 - 2,5% so với trước dịch.
Riêng Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) đã gia hạn nợ 3.856,2 tỷ đồng cho 152.796 khách hàng, điều chỉnh kỳ hạn trả nợ 1.567,6 tỷ đồng cho 75.209 khách hàng, cho vay mới 826.473 khách hàng với dư nợ 31.149,2 tỷ đồng.
Ngoài ra, toàn hệ thống ngân hàng cũng đã tích cực trong việc miễn, giảm phí một số dịch vụ thanh toán để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng do COVID-19. Ước tính tổng số tiền phí dịch vụ thanh toán mà các ngân hàng miễn, giảm cho khách hàng đến hết năm 2020 sau 2 đợt giảm phí là khoảng 1.004 tỷ đồng.
Lý giải nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm thấp hơn so với cùng kỳ, Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, do ảnh hưởng của dịch COVID – 19, nhu cầu vốn của doanh nghiệp và người dân không lớn nên mức tăng trưởng đó là phù hợp. Các doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ điều kiện vẫn được các ngân hàng đáp ứng đầy đủ.
Trong điều hành tín dụng, bám sát diễn biến dịch COVID-19, NHNN kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đảm bảo chất lượng tín dụng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn tín dụng khôi phục nhanh chóng sản xuất, kinh doanh. Dưới tác động của dịch COVID-19, do cầu tín dụng tăng thấp, tín dụng đến ngày 29.5.2020 mới đạt mức tăng 1,96% so với cuối năm 2019.
Liên quan đến Thông tư 01 về cơ chế hỗ trợ, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, trên cơ sở lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, người dân và các cơ quan chức năng, NHNN sẽ nghiên cứu, sửa đổi Thông tư 01 theo hướng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp và người dân trong việc tiếp cận các chính sách và sự hỗ trợ của ngành ngân hàng.
Trong những tháng cuối năm 2020, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt phối hợp hài hòa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát; ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối, hỗ trợ phục hồi kinh tế.