Brazil, Sri Lanka và Nam Phi là ba trong những quốc gia có thể thay thế EU làm thị trường tiêu thụ dầu của Nga.
Bloomberg dẫn lời công ty phân tích Kpler cho biết Mátxcơva sẽ có thể tìm thị trường mới cho một nửa lượng dầu thô xuất khẩu chịu lệnh cấm vận của EU.
Theo lệnh cấm vận, hầu hết nhập khẩu dầu thô của Nga sẽ bị cấm vào EU bắt đầu từ tháng 12, trong sản phẩm dầu sang khối này sẽ bị cấm bắt đầu từ tháng 2 năm sau. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điều này có nghĩa là khoảng 2 triệu thùng dầu mỗi ngày của Nga sẽ không có người mua, trừ khi Nga chuyển hướng thị trường.
Tuy nhiên, theo Kpler, Indonesia, Pakistan, Brazil, Nam Phi, Sri Lanka và một số quốc gia Trung Đông có thể cùng mua tới 1 triệu thùng dầu thô của Nga mỗi ngày trong mùa đông tới.
Nga đã bắt đầu chuyển hướng một số dầu của mình sang Châu Á, thúc đẩy xuất khẩu sang Ấn Độ và Trung Quốc, sau khi một số người mua Châu Âu từ chối mua. Nga đã giảm giá lớn để thu hút khách hàng.
Các nhà phân tích cho rằng việc giảm giá có thể chứng tỏ sự hấp dẫn và Trung Đông - nơi có thể tiêu thụ tới 500.000 thùng dầu thô mỗi ngày của Nga - thậm chí có thể quyết định chuyển hướng dầu trước đây được sử dụng trong nước sang thị trường xuất khẩu.
Trước đó, có thông tin rằng Indonesia đang xem xét mua dầu của Nga với mức chiết khấu 30%, nhưng đang chờ xem liệu Trung Quốc và Ấn Độ có đồng ý tham gia kế hoạch áp giá trần do G7 đưa ra nhằm hạn chế lợi nhuận từ xuất khẩu dầu của Nga hay không.
Trong khi đó, tập đoàn dầu mỏ khổng lồ của Nga Rosneft cho biết đã tăng lợi nhuận ròng lên 13% trong nửa đầu năm 2022 bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây. Thu nhập ròng của Rosneft đã tăng lên 432 triệu rúp (7,22 tỉ USD), trong khi nợ giảm 12% so với đầu năm, củng cố “khả năng phục hồi tài chính” của công ty - Rosneft thông báo trong tuần này.
Giống như các công ty khác của Nga, Rosneft đã bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Theo ông lớn dầu mỏ, các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đã giúp tập đoàn đối phó với việc chi phí logistics, vận tải đường sắt và điện tăng mạnh, vốn chiếm 30% tổng chi phí.
Theo giám đốc điều hành của Rosneft, Igor Sechin, trong nửa đầu năm, công ty “đã phải chịu áp lực chưa từng có từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và các lệnh trừng phạt bất hợp pháp. Tuy nhiên, nhờ hiệu quả hoạt động cao và các quyết định quản lý phù hợp, chúng tôi đã có thể đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục và thể hiện kết quả ổn định”.
Rosneft đã sản xuất 45,8 triệu tấn dầu trong tháng 6 với doanh số bán hàng tăng 5,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhu cầu ngày càng tăng từ một số nền kinh tế lớn nhất thế giới đã giúp Nga xuất khẩu gần bằng số dầu thô so với trước khi xảy ra xung đột ở Ukraina. Doanh số bán dầu trên thị trường nội địa cũng tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm 2021.
Tập đoàn Rosneft cho biết đã trả cổ tức năm 2021 trị giá hơn 441 tỉ rúp (7,4 tỉ USD) cho các cổ đông của mình, bao gồm cả BP, mặc dù công ty đã công bố kế hoạch từ bỏ 19,75% cổ phần trong Rosneft vào tháng 2.