Luôn đi theo đám đông nhưng những người di cư vẫn phải đối diện với cảm giác cô đơn trên tuyến đường nguy hiểm bậc nhất hành tinh.
Theo điều tra của CNN, để đến gần "giấc mơ Mỹ", họ đã mạo hiểm bất chấp việc phải đối mặt với những tên cướp đeo mặt nạ, những kẻ hiếp dâm, đói khát hay thảm cảnh chết chóc.
Gần 250.000 người đã vượt biển vào năm 2022 do các thảm họa kinh tế và nhân đạo gây ra - gần gấp đôi con số so với năm 2021 và gấp 20 lần mức trung bình hàng năm từ 2010-2020. Dữ liệu những tháng đầu năm 2023 cho thấy, số người vượt biên đang tăng cao gấp 6 lần so với cùng kỳ năm ngoái, ghi nhận con số cao kỷ lục - 87.390 người.
Tất cả người di cư đều có chung một giấc mơ được đặt chân đến nước Mỹ, họ bắt đầu từ một thị trấn ven biển Colombia, leo lên một ngọn núi dốc, băng qua những con sông và rừng mưa rậm rạp trước khi đến doanh trại do chính phủ điều hành ở Panama.
Chiều tối bên bờ sông khô cằn Acandí Seco, Colombia, những người di cư tập trung trong hàng chục chiếc lều trên một dải đất nông nghiệp do băng đảng ma túy kiểm soát. Con đường phía trước của họ sẽ rất gian khổ và nguy hiểm đến tính mạng.
Con người là mặt hàng mới của các băng đảng, những "kiện người" này tự di chuyển mà không bị ai đánh cắp. Mỗi người di cư phải trả ít nhất 400 USD để tiếp cận lối đi trong rừng và tự mình gánh chịu mọi rủi ro.
Sự khó khăn bắt đầu rõ ràng khi mọi người phải băng qua 4 con sông Acandí Seco, Tuquesa, Cañas Blancas và Marraganti. Tất, ủng, giày đều không đủ với dòng nước chảy xiết và dị vật sắc nhọn như đá, thuỷ tinh dưới dòng sông.
Sự đau khổ của con người là cơ hội kinh doanh cho các băng đảng, tại đây, một số tên cướp cung cấp dịch vụ khuân vác với giá 100 USD/đứa trẻ, 20 USD/chiếc túi. Các băng đảng cũng tích cực khai phá tuyến đường mới khi ngã tư có tên Las Tecas trước đó đã ngập tràn rác rưởi, xác chết.
Đi theo con dốc cheo leo 600 mét, những người di cư phải ở qua đêm trong khu rừng nhiệt đới nguy hiểm, nơi có rắn độc và những loài vật không tên.
“Hãy chăm sóc con của bạn! Bất kỳ ai cũng có thể bắt con bạn và bán nội tạng của chúng. Đừng giao chúng cho người lạ” - một người bất lực kêu gào trong đêm.
Hầu hết mọi người đều không được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ và bị trượt dài trên những con dốc bùn đất. Một người cha đã gục ngã khi cõng con trai trên lưng, nhưng chẳng ai quan tâm, họ vẫn chụp ảnh và tiến về phía trước.
Băng qua con sông bằng vài sợi dây thừng, mỗi người đều cài chiếc túi nặng trên cổ nhưng họ không tránh khỏi cảnh bị ngã chết. Đứng bên bờ sông, một người phụ nữ đến từ Venezuela bật khóc: “Nếu tôi biết, tôi đã không để con trai đi qua đây”.
Tại một ngọn núi băng qua Colombia, nơi có những con búp bê và chiếc ba lô bên cạnh vài bộ xương người khiến đoàn di cư rợn tóc gáy. Xa hơn trên con đường, có thể nhìn thấy một bàn chân nhô ra từ dưới lều - một cây thánh giá tạm thời được bỏ lại gần đó như cách tưởng niệm vội vã.
Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), 36 người đã chết ở Darién Gap vào năm 2022, nhưng con số đó có thể chỉ là một phần nhỏ trong số những người thiệt mạng ở đây - các báo cáo mang tính giai thoại cho thấy nhiều người chết trên tuyến đường này không bao giờ được tìm thấy.
Giấc mơ về tự do của những người di cư, giờ đây đã bị thay thế bằng sự nô lệ cho một hệ thống băng đảng được thiết kế để khiến họ phải trả giá. Chờ đợi và mạo hiểm - mỗi thứ đều có đủ biện pháp để rút dần tiền mặt và đưa họ tiến tới rào cản tiếp theo.