Kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT môn Lịch sử của cả nước năm 2022 cho thấy: Có 659.667 thí sinh tham gia thi bài thi lịch sử, trong đó số thí sinh đạt điểm dưới trung bình là 127.557 (chiếm tỉ lệ 19,34%), thấp nhất trong 3 năm qua. Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7,0 điểm. Lịch sử cũng là môn có nhiều điểm 10 thứ hai với 1779 điểm 10 (đứng đầu là môn Giáo dục Công dân với 2.836 điểm 10).
Như vậy, môn Lịch sử đã cải thiện vị trí, bứt phá không còn là môn “đội sổ”. Đây là tín hiệu đáng mừng và là niềm vui của thầy cô và học sinh trong dạy - học sử nói riêng.
Dù vậy, điều quan trọng là tìm hiểu nguyên nhân của việc điểm môn Lịch sử được cải thiện vị trí, từ đó, xem xét để tiếp tục đổi mới phương pháp dạy - học, kiểm tra môn Lịch sử mới là điều quan trọng.
Về đề thi môn Lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhiều giáo viên nhận định không quá khó, học sinh đạt điểm 6, 7 là dễ dàng. Cụ thể, đề thi gồm phần lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến nay và lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay. Tất cả đều nằm trong chương trình, sách giáo khoa lịch sử lớp 12, câu hỏi không đánh đố học sinh, không quá khó kể cả câu hỏi vận dụng từ câu 31 đến 40.
Nhiều giáo viên nhận định, đề thi được thiết kế phù hợp với năng lực học tập, nhận thức về lịch sử của học sinh, với tình hình dịch bệnh COVID-19, với hình thức dạy học trực tuyến và trực tiếp…
Về học sinh, trước hết các em ý thức được việc học, nắm vững kiến thức lịch sử, bản chất sự kiện, có kỹ năng làm bài khá tốt, đó là biết xác định câu hỏi về nội dung gì, diễn ra thời gian nào, từ khóa của câu hỏi nên không nhầm lẫn giữa các sự kiện (vì có quá nhiều sự kiện).
Về thầy cô, với tình hình điểm thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử trong nhiều năm vừa qua rất thấp, năm 2019 là 70,01% học sinh đạt điểm trung bình (dưới 5 điểm), năm 2020 tỉ lệ này là 46,95% và năm 2021 là 53,03%.
Trước thực trạng nêu trên, Bộ GDĐT đã có những hướng dẫn và điều chỉnh kịp thời cùng với sự nỗ lực tâm huyết của thầy cô để kéo các em trở về với quá khứ hào hùng của dân tộc cũng như khám phá những lớp trầm tích lịch sử ẩn mình sâu trong lòng đất, từng con sông, ngọn núi… bằng nhiều cách khác nhau như tham quan, trải nghiệm thực tế ở bảo tàng, khu di tích, sắm vai diễn tuồng, xem triển lãm…
Đồng thời, thực hiện phương pháp dạy học gắn liền với thực tế tạo hứng thú học tập cho học sinh, “Mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, giúp các em càng thêm yêu quê hương đất nước, tự hào truyền thống lịch sử dân tộc… giúp cải thiện chất lượng giảng dạy ngày một tốt hơn.
Như vậy, điểm môn Lịch sử đạt được kết quả đáng khích lệ trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2022 chính là kết quả tất yếu của sự đồng tâm đổi mới phương pháp dạy của thầy cô đã tạo động lực để học sinh ham thích học Lịch sử thì kết quả nhận được là trái ngọt, hương thơm đáng trân quý.