Năm nay, khi tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, tỉnh Kiên Giang đã đề ra nhiều giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kế hoạch tổ chức 15 sự kiện lễ hội, văn hóa, thể thao và du lịch. Riêng 2 lễ hội mới diễn ra là Ok Om Bok (huyện Gò Quao) và Nghinh Ông (huyện đảo Kiên Hải) đã thu hút rất lớn du khách đến Kiên Giang.
2 sự kiện lễ hội có ý nghĩa riêng, đặc sắc, được địa phương quan tâm tổ chức bài bản, gắn kết giữa truyền thống và hiện đại đáp ứng sự mong chờ của người dân, du khách trong và ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn - Chủ tịch UBND huyện Kiên Hải, Trưởng Ban Tổ chức lễ hội - cho biết: "Lễ hội Nghinh ông năm 2022 với chủ đề “Kiên Hải - Điểm hẹn Biển tây” năm nay đón khá đông khách đến tham quan, tìm hiểu, riêng trong đêm khai mạc thu hút trên 2.000 người tham dự.
Cùng với sự chuẩn bị chu đáo của địa phương, lễ hội đã mang lại nhiều giá trị có ý nghĩa, góp phần tạo nên sự thành công và tiếp thêm sức mạnh để Lại Sơn có những bước bứt phá, phát triển trong thời gian tới".
Ông Tuấn cũng kỳ vọng sự chung sức của chính quyền địa phương và các đơn vị đầu tư từng bước góp phần làm cho Kiên Hải đẹp hơn, phát triển hơn, biến giấc mơ để Kiên Hải trở thành “Hạ Long phương Nam” như nét đẹp vốn có của nó trong thời gian không xa.
Theo Sở Văn hóa và Thể thao, tại Kiên Giang, từ năm 2007, lễ hội Ok Om Bok được tỉnh nâng lên thành ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang. Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer trong xu thế hội nhập, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ông Nguyễn Lưu Trung - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch đồng bào Khmer tỉnh Kiên Giang lần thứ XIV năm 2022 - cho biết, ngày hội là hoạt động văn hóa truyền thống có ý nghĩa lớn, giữ gìn, tôn vinh và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer trong tỉnh. Tình hình an ninh, trật tự, vệ sinh thực phẩm được đảm bảo an toàn, hơn 200.000 lượt du khách và người dân đến tham dự lễ hội Ok Om Bok. Đây cũng là dịp để đồng bào các dân tộc gặp gỡ, giao lưu, tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, quảng bá hình ảnh ngày hội văn hóa của địa phương đến với du khách trong và ngoài tỉnh.
Trong chiến lược phát triển để du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm của tỉnh, ngoài việc tăng cường thực hiện đồng bộ các giải pháp về hạ tầng giao thông - du lịch, các thiết chế văn hóa còn cần đẩy nhanh quá trình nâng cấp lễ hội để các đơn vị hoạt động du lịch có cơ hội kết nối 2 sản phẩm du lịch văn hoá - tín ngưỡng. Đây cũng là định hướng phát triển du lịch của tỉnh nhằm từng bước phát triển du lịch xứng tầm với quy mô phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.