Một số hành trình nổi bật ở Đông Bắc Á là tour Đài Loan (TQ) giá từ 11,9 triệu đồng, tour Hàn Quốc mùa thu giá từ 12,9 triệu đồng, tour Nhật Bản 6 ngày 5 đêm giá từ 30 triệu đến 54 triệu đồng... Những tour Châu Âu phổ biến với du khách phải kể đến liên tuyến Pháp - Đức - Thụy Sĩ - Italia giá từ khoảng 64 triệu đồng; tour Pháp - Đức - Hà Lan - Bỉ giá khoảng 55 triệu đồng...
Thế giới mở cửa
Đài Loan (Trung Quốc) là điểm đến mới nhất mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế từ 13.10, liền trước đó là Nhật Bản bắt đầu đón khách du lịch tự túc từ 11.10, đánh dấu bước khởi động đầu tiên hậu COVID-19 của thị trường tour outbound Đông Bắc Á.
“Từ khi COVID-19 dần được kiểm soát, thị trường oubound đã thực sự quay trở lại. Nhiều nước đã mở cửa, tạo nhiều điều kiện cho du lịch phát triển sau hai năm đóng băng. Chính vì lẽ đó, lượng khách du lịch nước ngoài cũng tỉ lệ thuận và đang từng bước tăng nhiệt dần… Đó chính là một dấu hiệu đáng mừng cho ngành du lịch Việt Nam và thể giới” - ông Đặng Thanh Tùng - CEO Neworld Travel, nhận định.
“Hiện tại khách quan tâm nhiều tới tour Nhật Bản, tiếp đó là Hàn Quốc vì đang vào mùa thu đẹp nhất. Tháng 11 du khách bắt đầu đi tour Đài Loan (TQ), với một đoàn 40 khách khởi hành một tuần. Tháng 12 mỗi tuần có 2 đoàn khởi hành, khoảng 60 khách” - bà Huỳnh Mỹ Yến, Giám đốc công ty Du lịch Thiên nhiên, cho hay.
Đại diện phía Công ty Du lịch Toàn cầu đánh giá, sau dịch một số thị trường quốc tế mở cửa, chính sách thông thoáng nên du khách Việt bắt đầu lựa chọn đi nước ngoài nhiều hơn. Trong đó, một số nước có mức giá tour tốt, hỗ trợ về visa cũng là yếu tố thôi thúc du khách Việt lựa chọn đi tự túc ngày càng nhiều. Dự kiến trong 3 tháng cuối năm 2022, lượng khách du lịch nước ngoài sẽ tăng từ 15-30%, nhất là dịp Tết Dương lịch và Âm lịch sắp tới.
“Người Việt đi du lịch thời gian này được hưởng lợi đáng kể về tỉ giá. Ví dụ, đồng tiền Thái Lan đang giảm còn 630 đồng 1 Baht, đồng yen Nhật Bản xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua” - ông Bùi Thanh Tú, Giám đốc Marketing của BestPrice, bày tỏ. Ông lấy ví dụ, khách Việt đi Thái Lan thời gian này chỉ cần chi khoảng 150.000 đồng đã có thể ăn uống một bữa thoải mái, mức giá rẻ hơn rất nhiều so với trước.
Thách thức cho doanh nghiệp
Du lịch nước ngoài đã quay trở lại, tuy nhiên còn nhiều nước chưa thực sự mở cửa hoàn toàn như Trung Quốc đại lục, Hong Kong (Trung Quốc). Hàn Quốc và Nhật Bản đã mở cửa nhưng thủ tục visa vẫn chưa thực sự thuận lợi như trước dịch. Bên cạnh đó các tour đi xa hơn như Dubai, Châu Âu, Châu Úc, Mỹ... đã có nhiều đoàn đăng ký hoặc khởi hành, nhưng thủ tục visa vẫn còn những hạn chế nên đây vẫn chưa phải thị trường được đông đảo du khách lựa chọn. Những điểm đến trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Singapore… vẫn luôn là lựa chọn dễ dàng để du khách nhanh chóng quyết định chuyến đi của mình, theo ông Đặng Thanh Tùng.
Đồng tình với quan điểm này, ông Bùi Thanh Tú lấy ví dụ trước dịch khách Việt xin visa Nhật Bản chỉ mất khoảng 8 đến 12 ngày chờ đợi. “Hiện nay chưa có quy định cụ thể về thời gian làm việc, nên khách cần đặt tour trước một tháng đến tháng rưỡi để chuẩn bị chắc chắn visa”.
Ông Đặng Thanh Tùng đánh giá khó khăn lớn nhất mà các đơn vị lữ hành đang gặp phải đó chính là trong quá trình cấp visa, thủ tục xuất nhập cảnh, và sự sẵn sàng trở lại của các hệ thống cung cấp dịch vụ như khách sạn, nhà hàng, vận chuyển... tại nước ngoài.
Về việc cấp thị thực, một số thị trường mở cửa nhưng thủ tục vẫn còn rất rườm rà, thậm chí không thể xác định chính xác ngày trả giấy tờ. Điều này khiến không ít doanh nghiệp lữ hành nhiều khi như “ngồi trên lửa” khi sắp tới ngày khởi hành mà đoàn vẫn chưa có visa, trong khi đó dịch vụ tại điểm đến đã sẵn sàng.
“Đây có thể nói là yếu tố “đau tim” nhất mà các đơn vị lữ hành đang gặp phải. Chẳng hạn, thị trường du lịch Nhật Bản vừa mới khởi động trở, đến nay các công ty đang mở bán đều chỉ là thăm dò. Đối với thị trường du lịch Hàn Quốc, nhiều du khách vẫn rất e ngại với yêu cầu chứng minh tài chính để xét duyệt visa” - ông Tùng bày tỏ.
CEO này đánh giá, nếu các nước vẫn chưa thực sự mở cửa, bức tranh du lịch nước ngoài vẫn chỉ quanh quẩn ở những “sự thăm dò”, vừa làm, vừa tính toán. “Sẽ khó có doanh nghiệp nào mạnh dạn làm mạnh tay khi các điều kiện còn rất hạn chế. Tuy nhiên cũng có rất nhiều dấu hiệu đáng mừng. Và khi thế giới thực sự mở cửa, các đơn vị lữ hành như chúng tôi sẽ chóng bắt nhịp”.
Theo ông Tùng, ưu tiên hiện nay của du khách Việt vẫn luôn là an toàn. Tiếp đó là thủ tục dễ dàng, chi phí hợp lý. Tuy nhiên với các thị trường xa như Châu Âu, Bắc Âu..., giá cả sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của du khách. Chi phí đi tour nước ngoài hiện đang cao hơn khoảng trên 20% so với trước dịch bệnh trong bối cảnh giá năng lượng tăng vọt.